Phong trào này còn tạo động lực cho những ngân hàng lớn tham gia vào hành động chống biến đổi khí hậu.
Phong trào này còn tạo động lực cho những ngân hàng lớn tham gia vào hành động chống biến đổi khí hậu.
Lan rộng khắp thế giới
Một chương trình sau hơn 2 năm thực hiện trên toàn cầu đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của khoảng 720 tổ chức thuộc 76 quốc gia. Không chỉ tạo được giá trị hàng ngàn tỉ USD mà phong trào này còn tạo động lực cho những ngân hàng lớn tham gia vào hành động chống biến đổi khí hậu.
Thoái vốn Toàn cầu (Global Divestment Mobilisation) là một chiến dịch kêu gọi các chính phủ, các ngân hàng cân nhắc về yếu tố môi trường trong các dự án của mình, ngừng đầu tư vào ngành than, dầu mỏ, tránh cấp vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch tàn phá môi trường, hủy hoại Trái đất. Thay vào đó là đầu tư vào các giải pháp năng lượng tái tạo phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế.
Điểm mạnh của chiến dịch này là vận động được từng khách hàng của các ngân hàng rút vốn khỏi những dự án gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và đầu tư vào những dự án, công ty năng lượng mới.
Từ khi chiến dịch được phát động đến nay đã thu hút được hơn 58.000 cá nhân tham gia thoái vốn với số tiền ước tính 5,2 tỉ USD. Tổng số tiền đã thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn khỏi các dự án đầu tư liên quan đến nhiên liệu hóa thạch đã lên đến gần 5.500 tỉ USD.
Được chính thức khởi động trên toàn cầu vào tháng 2.2015, Thoái vốn Toàn cầu khỏi các dự án nhiên liệu hóa thạch đã lan rộng tới hàng chục quốc gia. Phong trào bắt nguồn từ Bắc Mỹ, châu Âu và Úc, bây giờ đang lan rộng đến các nước ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi. Phong trào nhận được sự ủng hộ và tham gia mạnh mẽ của các nhà hoạt động môi trường, các nhóm tín ngưỡng, những nhà nghiên cứu và đặc biệt là người dân tại những địa phương chịu ảnh hưởng bởi nạn ô nhiễm môi trường.
Chỉ riêng tại Úc, một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu nhiều than đá nhất thế giới, đã có tới 30 sự kiện thoái vốn với hàng ngàn người tham gia diễu hành để phản đối dự án mỏ than Adani vốn đã gây rất nhiều thảm họa về ô nhiễm.
Tại châu Âu, có rất nhiều hoạt động đa dạng: từ các sự kiện ở trường đại học, tổ chức tôn giáo, quỹ hưu trí ở nhiều quốc gia, cho tới 14 cuộc tuần hành liên tục qua tòa thị chính thành phố London, tới các hình thức truyền thông sáng tạo để vận động bảo tàng Louvre (Paris) không hợp tác với Tập đoàn Total hay kêu gọi bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam chấm dứt nhận tài trợ của Tập đoàn Shell. Khu vực Đông Á tuy đi sau nhưng đang chứng kiến nhiều kế hoạch sôi động: như cuộc diễu hành đông đảo ở Palawan (Philippines); sự kiện “Clean, Safe, Renewable. Why not?” (Sạch, An toàn, Tái Tạo. Tại sao không?) ở Jakarta (Indonesia); hay sự kiện kéo dài 2 ngày ở Tokyo (Nhật) kêu gọi các cá nhân thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Phong trào Global Divestment Mobilisation tại Mỹ.
Các ngân hàng nhập cuộc
Mới đây, song song với việc chấm dứt cho vay các dự án nhiệt điện than, HSBC đã cam kết hỗ trợ 100 tỉ USD cho các hoạt động tài chính và đầu tư bền vững. Theo đó, ngân hàng này đã cam kết giảm hợp tác với các dự án than nhiệt lượng cao và chủ động quản lý quá trình chuyển đổi đối với các ngành có hàm lượng thải carbon cao khác. Cam kết này bao gồm việc ngưng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than mới tại các thị trường phát triển và các mỏ than nhiệt trên toàn thế giới.
Cũng cần phải biết, trong giai đoạn năm 2014-2016, các ngân hàng trên thế giới đã đổ 290 tỉ USD vào các công ty nhiên liệu hóa thạch. Riêng HSBC đã đổ vào 13 tỉ USD. Cùng với HSBC, đã có một số ngân hàng khác như Société Générale, BNP Paribas, JPMorgan Chase đã bắt đầu hạn chế đầu tư cho nhiệt điện than. Cho đến nay một số ngân hàng tại Úc, Thụy Sĩ, Đức đã thoái vốn dưới nhiều hình thức như hoàn toàn, một phần hoặc chỉ là điện than…
Riêng tại Việt Nam, theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 13.110MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Nếu các nhà máy điện than được đầu tư như quy hoạch, thì đến năm 2018, lượng tro xỉ thải ra trong cả nước là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 và 2030 lần lượt đạt tới con số 248 và 422 triệu tấn.
“Cam kết trị giá 100 tỉ USD lần này đã thừa nhận mức độ thách thức trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai ít phát thải carbon”, ông Stuart Gulliver, Tổng Giám đốc Tập đoàn HSBC, cho biết.
Theo thống kê, năm 2014 những ngân hàng lớn trên toàn cầu đã đổ vốn đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch cực đoan ở mức 92 tỉ USD và con số này đã chạm mốc 111 tỉ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2016, sau khi nhiều phong trào hưởng ứng chống biến đổi khí hậu bùng nổ, đặc biệt là sau khi Công ước Khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP21 ra đời, giá trị đầu tư đã giảm 22% còn khoảng 87 tỉ USD.
Trong giai đoạn 2007-2014, nguồn tài chính công đổ vào ngành nhiệt điện than trên toàn cầu khoảng 73 tỉ USD. Trong đó, Cơ quan Tín dụng Xuất khẩu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chiếm 47%, còn lại là sự đóng góp của các tổ chức tài chính công từ Nga, Trung Quốc và các ngân hàng phát triển đa phương.
Theo kết quả báo cáo của Tổ chức Sáng tạo Xanh (GreenID), những quốc gia đứng đầu trong việc đầu tư cho năng lượng xanh là Nhật (20 tỉ USD), Trung Quốc (15 tỉ USD), Hàn Quốc (7 tỉ USD), Đức (7 tỉ USD) và Mỹ (4 tỉ USD). Trong gần một thập niên (2005-2014) các ngân hàng thương mại trên thế giới đã đổ khoảng 500 tỉ USD cho than; 70% nguồn vốn này được rót từ top 20 ngân hàng lớn, đứng đầu là các ngân hàng từ Mỹ, Anh và Trung Quốc.
Trong làn sóng mạnh mẽ của phong trào khí hậu toàn cầu, thoái vốn đã được chứng tỏ là một phương thức hiệu quả trong việc làm suy yếu sức mạnh của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch về nhiều mặt. Chiến dịch Thoái vốn Toàn cầu 2017 sẽ tạo đà cho những hành động đầy tham vọng bằng cách tạo sức ép lên các tổ chức nhằm thoái vốn khỏi những thảm họa về biến đổi khí hậu và tái đầu tư vào việc xây dựng một tương lai bền vững hơn với năng lượng tái tạo.