Điểm đáng chú ý tại mùa lễ hội năm 2017 được đánh giá là bước đầu đã có những chuyển biến trong việc tổ chức, quản lý. Những lễ hội có tập tục lạc hậu hoặc mang yếu tố bạo lực, không phù hợp cuộc sống hôm nay đã được hạn chế, chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ.
Giảm các biểu hiện bạo lực, phản cảm
Năm 2017 đánh dấu mốc hai năm Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) không tổ chức chém lợn giữa sân đình. Tại Lễ hội đền Đông Cuông (Yên Bái) chính quyền và người dân địa phương căng bạt che chắn và hạn chế người vào nơi thực hiện nghi thức treo trâu. Hội phết Đình Đông Lai (Vĩnh Phúc) đã diễn ra an toàn, do không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ.
Lễ hội Cầu Trâu ( Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng hình thức trình diễn. Đền Trần (Nam Định) đã hạn chế được nạn cướp lộc vì Ban tổ chức đã nhanh chóng thu dọn đồ lễ ngay sau khi hoàn thành nghi thức tế lễ. Lễ hội Đền Hùng cũng không còn hiện tượng chen lấn do quá tải và người tham gia mặc trang phục không phù hợp như trước đây…
Để đạt được những chuyển biến tích cực như vậy, có sự vào cuộc tích cực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL). Ngay từ tháng 10-2016, Bộ đã bắt tay và chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2017. Ngoài việc ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các sở văn hóa và thể thao, Sở VH, TT và DL các địa phương đề nghị tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tổ chức lễ hội, thì những đoàn kiểm tra của Cục Văn hóa cơ sở, Thanh tra Bộ VH, TT và DL đã đến với những “điểm nóng” để rà roát, nắm bắt tình hình.
Qua đó, những vấn đề mới nảy sinh được phát hiện và đã đề ra những giải pháp tháo gỡ. Có thể lấy dẫn chứng từ chuyến khảo sát của lãnh đạo Bộ VH, TT và DL tại Đền Trần (Thái Bình). Sau khảo sát, đoàn công tác đã đề nghị địa phương và Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý Đền Trần không được phát lộc ấn vì chưa có khẳng định chính thức nghi thức này trong lễ hội truyền thống Đền Trần Thái Bình.
Cùng với sự chỉ đạo từ trung ương, thực tế cho thấy, ở đâu có sự vào cuộc tích cực của chính quyền, của các cơ quan quản lý đối với công tác tổ chức, vận động nhân dân thực hiện văn hóa, văn minh lễ hội thì ở đó, giá trị tốt đẹp của lễ hội được phát huy. Thủ đô Hà Nội có hàng nghìn lễ hội. Năm 2017, trước mùa lễ hội, UBND thành phố đã có văn bản thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm quy định của Nhà nước trong công tác tổ chức lễ hội; các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; dịch vụ đổi tiền lẻ; hiện tượng ép giá, bắt chẹt khách du lịch; ăn xin, bói toán, mê tín dị đoan; trộm cắp, cờ bạc dưới mọi hình thức.
Ở tỉnh Phú Thọ, ngay từ giữa năm 2016, Sở VH, TT và DL đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân, vận động không tổ chức cướp phết (Lễ hội Phết Hiền Quan); lấy ý kiến người dân tại cơ sở và các nhà nghiên cứu về hình thức tổ chức lễ Cầu Trâu… Đồng thời, Sở chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý, tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội trên địa bàn. Bởi vậy, các lễ hội ở nơi đây được tổ chức tương đối bài bản; phần lễ tôn nghiêm, phần hội vui tươi lành mạnh, tạo sự phấn khởi trong nhân dân.
Cần chuyển biến tích cực
Thế nhưng, do sự buông lỏng quản lý của không ít địa phương cho nên vẫn tồn tại tình trạng lễ hội bị biến tướng, có biểu hiện thương mại hóa, vi phạm quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: hội thi chọi trâu không phép, ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang); hội chọi trâu huyện Lục Yên (Yên Bái); việc tổ chức “khai ấn” của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh; “phát ấn” của đền thờ Quang Trung tại tỉnh Nghệ An... Vẫn chưa hết những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội); lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc tại hội Lim (Bắc Ninh)…
Một số cơ quan buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội. Hiện tượng đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích như: Đền Cái Lân (Quảng Ninh); đền Sòng Sơn, đền Cô Bơ (Thanh Hóa); đền Bảo Hà (Lào Cai)… Những hiện tượng đó khiến bức tranh lễ hội năm 2017 vẫn còn những gam màu tối.
Ngày xưa đi trẩy hội Lim để tâm tình nghe hát, tôn vinh làn điệu Quan họ ngọt ngào để sống trong không gian văn hóa độc đáo Kinh Bắc được trao truyền qua bao đời; ngày nay, Quan họ mời trầu nhưng kèm hình ảnh ngả nón xin tiền và tiếng loa đài xập xình át tiếng ca của liền anh, liền chị. Đó là những biến tướng, đòi hỏi cần có sự sát sao, quyết liệt chấn chỉnh từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Hay sau tai nạn đáng tiếc tại vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, sự vào cuộc tích cực của UBND thành phố Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng, UBND quận Đồ Sơn nhằm siết chặt công tác quản lý, tổ chức lễ hội chọi trâu đã thuyết phục được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đến nay, phần lớn dư luận đều ủng hộ và mong muốn lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tiếp tục tổ chức. Tuy nhiên, các ý kiến cũng yêu cầu thay đổi cách thức, đặc biệt là sự giám sát, quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân tham gia lễ hội.
Đảng, Nhà nước ta luôn bảo đảm, tôn trọng quyền tự do của người dân trong thụ hưởng các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa lễ hội. Nhưng việc tổ chức lễ hội phải giữ vững và bảo tồn các giá trị truyền thống chứ không phải là lợi dụng lễ hội để trục lợi. Đã đến lúc các cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở giải quyết vụ việc mà phải biện pháp, cách thức quản lý bài bản, đưa các lễ hội truyền thống về đúng bản chất tốt đẹp vốn có.
Năm 2018, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được kỳ vọng có những chuyển biến vượt bậc so với năm 2017, bởi theo dự kiến, Nghị định Quy định về công tác quản lý và tổ chức lễ hội sẽ được Bộ VH, TT và DL trình Chính phủ ban hành trong quý I. Nghị định này ra đời, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Bên cạnh đó, Nghị định đặt ra vấn đề ý thức người dân - một giải pháp căn cơ để hạn chế những vấn đề tồn tại của lễ hội. Việc phát huy vai trò làm chủ của người dân tại các điểm di tích, nơi thờ tự sẽ hạn chế tiêu cực tại lễ hội. Bài học gắn lợi ích của người dân với việc phát huy vai trò làm chủ chưa bao giờ cũ...
Lễ hội truyền thống là một nét đẹp của dân tộc, là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của dân tộc vun đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu lễ hội được tổ chức tốt sẽ mang lại tác dụng lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng; ngược lại, sẽ dẫn tới sự chệch hướng gây ra nhiều hệ lụy: mất thời gian, công sức, tốn kém tiền của, gây mất an ninh trật tự, bạo lực, phản cảm, trục lợi, tai nạn giao thông… Chỉ khi nào, nhận thức đầy đủ như vậy từ các cấp trung ương đến địa phương, từ ban quản lý di tích đến những người dân tham gia lễ hội, thì lúc ấy, bức tranh lễ hội đầu năm mới thật sự là những gam màu tươi sáng.
THẢO NGUYÊN