Doanh nghiệp du lịch, nông nghiệp, kinh tế số chưa hết “khổ” vì rào cản chính sách

Cập nhật: 05/12/2017
Đó là những ý kiến của các doanh nghiệp được Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân tổng hợp trong báo cáo gửi lên Chính phủ...

Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân vừa có báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị về khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, kinh tế số.

Doanh nghiệp du lịch bị vòi vĩnh, chính sách thị thực bất cập

Ban kinh tế tư nhân cho biết nhận được nhiều phàn nàn từ phía doanh nghiệp về việc đầu tư quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia chưa tương xứng với mục tiêu phát triển và tiềm năng du lịch quốc gia.

Ngân sách quốc gia dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch còn quá thấp so với tiềm năng, mục tiêu đột phá ngành. Bên cạnh đó, việc chi ngân sách cho xúc tiến, quảng bá du lịch còn dàn trải, kém hiệu quả, không gắn với phát triển các thị trường trọng tâm.

"Đề nghị Chính phủ xem xét thúc đẩy hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia thông qua việc thí điểm hình thành, vận hành và quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận để tháo gỡ nút thắt này", báo cáo nêu.

Chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam còn là rào cản của ngành du lịch. Ban kinh tế Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, chính sách thị thực của Việt Nam không có sức cạnh tranh và hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực, hiện chỉ áp dụng chính sách miễn thị thực cho công dân của 23 quốc gia trên thế giới (thấp hơn nhiều so với quốc gia trong khu vực).

Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu áp dụng miễn thị thực với thời gian 15 ngày, ít hơn độ dài ngày trung bình khách quốc tế đến Việt Nam và ít hơn nhiều so với chính sách của các quốc gia láng giềng.

Chính phủ Việt Nam thường công bố danh sách các nước được miễn thị thực theo từng năm một và trước thời điểm áp dụng chỉ từ 1 tháng đến 3 tháng gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch quốc tế của các doanh nghiệp du lịch và lữ hành.

Không những vậy, quy định: "Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày" càng hạn chế số lượng đáng kể khách quốc tế đến Việt Nam trong những tour du lịch kết hợp với các nước lân cận. Chương trình cấp thị thực điện tử chưa đáp ứng được kì vọng khi tên miền (evisa.xuatnhapcanh.gov.vn) còn gây khó khăn cho việc tìm kiếm của du khách cũng như tốc độ truy cập website này khá chậm.

Môi trường điểm đến du lịch chưa được quản lý đúng mức và chuyên nghiệp, làm giảm đáng kể lượt du khách muốn quay lại Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Du lịch và Lữ hành năm 2017 của WEF, khi đánh giá về mức độ an ninh và an toàn, Việt Nam chỉ đứng ở trên trung bình (hạng 57). Đáng chú ý các chỉ tiêu về môi trường đứng ở thứ hạng thấp và rất thấp.

Thái độ ứng xử của cơ quan công quyền với doanh nghiệp còn nhiều tùy nghi, lạm dụng thực thi chính sách, pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Tình trạng giao tiếp ứng xử tuỳ nghi, vòi vĩnh, lạm dụng thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp vẫn rất phổ biến không chỉ riêng với khối doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà phần đông doanh nghiệp các ngành đều gặp vấn đề này.

Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật cũng còn khá tuỳ nghi, ít công khai minh bạch, thiếu thống nhất trên dưới, giữa các bộ ngành, đặc biệt là ở cấp địa phương nơi vẫn theo nề nếp cũ, bị động, ngại thay đổi để chuyển từ quản lý sang kiến tạo, đồng hành", báo cáo nêu.

Phát triển kinh tế số vẫn chưa được quan tâm

Kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên, quá trình hình thành nền kinh tế số cũng như phát triển các "Smartcity" ở Việt Nam, quá trình khuyến khích đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sự chuyển dịch của nền kinh tế còn nhiều thách thức.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực phản ánh Chính phủ chưa có chiến lược chuyển đổi số quốc gia nên các chính sách triển khai còn thiếu vắng hoặc không đồng nhất với chủ trương lớn. Cụ thể, doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn gặp sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, rào cản về thủ tục, quy trình, đầu tư...

Ban Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tư nhân còn chưa thống nhất nhận thức, còn thiếu nguồn lực để phát triển SmartCity. Trong đó, do việc thiếu các bộ tiêu chí chuẩn và kế hoạch tổng thể nên một số nơi còn nhầm lẫn giữa chính quyền điện tử với SmartCity. Việc triển khai còn lúng túng, rời rạc, không kết nối giữa các bên, chưa huy động nguồn lực tư nhân dẫn tới gia tăng chi phí vốn đã là bài toán khó khăn cho chính quyền đô thị.

Môi trường chính sách và khung pháp lý hiện hành còn nhiều điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh. Chính sách thuế với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ung cấp dịch vụ số tại Việt Nam đang có bất cập.

Trong khi các đơn vị cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google, Facebook, Grab, ... chỉ phải trả thuế nhà thầu là 5% thì doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ tương tự không những phải trả thuế VAT, thuế người dùng mà còn phải trả 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt mở công ty ở ngoài Việt Nam để tối ưu thuế.

Các doanh nghiệp cũng nhận thấy chủ trương thúc đẩy giao dịch điện tử không đi kèm với phát triển hạ tầng số.Trường hợp cụ thể khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, theo quy định của nhà nước, các khách hàng phải kí và nhận 1 biên lai giấy và bộ hợp đồng. Chứng từ giấy này thực tế rất ít giá trị sử dụng sau đó nhưng đơn vị cung ứng dịch vụ phải lưu hàng triệu bản giấy (trong 10 năm) và chi phí thuê kho lưu giấy rất cao (10 năm).

Rào cản đầu tư vào nông nghiệp vẫn lớn

Trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp phản ánh các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn chưa thiết thực, thiếu tính ổn định, độ hấp dẫn cũng như độ an toàn/bền vững của chính sách không cao. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục rườm rà, phức tạp, tốn nhiều thời gian cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận các cơ hội ưu đãi.

"Doanh nghiệp đề nghị các cấp thẩm quyền nghiên cứu chính sách thuế thật thấu đáo cho ngành nông nghiệp, không tạo sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong cùng một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bỏ thuế xuất khẩu hàng nông sản và thuế nhập khẩu công nghệ ứng dụng cho nông nghiệp, xem xét miễn/giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hay khu vực địa lý cần thu hút đầu tư trọng điểm", báo cáo nêu.

Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phù hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các cơ chế ưu đãi. Theo quy định để thành lập khu thì doanh nghiệp muốn được chứng nhận là một khu thì thủ tục phức tạp, thông qua nhiều Bộ ngành.

Dù có nhiều ý kiến đề xuất xây dựng sàn giao dịch nông sản nhưng đến nay theo Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế Tư nhân vẫn chưa có sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa để kiểm kiểm soát được chất lượng, sản lượng và giá trị cho nông sản cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển thương mại điện tử, chú trọng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm.

Nguồn: cafef.vn