Bàn về xây dựng văn hóa du lịch Hà Nội

Cập nhật: 08/12/2017
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc” ra đời cách đây 15 năm đã mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam và khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy của sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Ngày 29.5.2017, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong quyết tâm duy trì, phát huy và phát triển những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc; từng bước xây dựng và phát triển một nền văn hóa vừa đa dạng do hội nhập, vừa mang nét đặc thù, tương xứng với vị trí một Thủ đô ngàn năm văn hiến, một trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục và hợp tác quốc tế của đất nước, một điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện.

Thực tế cho thấy, du lịch Hà Nội đã đạt được những bước phát triển rõ rệt trong những năm qua, từng bước khẳng định hình ảnh và thương hiệu du lịch Thủ đô trong mắt du khách trong và ngoài nước. Trong nhiều năm gần đây, nhiều tổ chức, tạp chí, trang mạng du lịch quốc tế có uy tín hàng đầu thế giới và khu vực như TripAdvisor, Smart Travel in Asia… đã tổ chức bình chọn và công bố Hà Nội lọt TOP các điểm đến hàng đầu châu Á và khu vực. Mới đây nhất, Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố phát triển du lịch nhanh nhất toàn cầu năm 2017, theo điều tra và công bố của Công ty thẻ tín dụng Mastercard, với số khách du lịch quốc tế đến thành phố tăng trưởng bình quân 16,4%/năm trong khoảng từ năm 2009 - 2016, chỉ sau Osaka, Thành Đô, Colombo, Abu Dhabi, Jakarta và Tokyo. (TravelWireNews, e-TurboNews, Thứ sáu, 27.10.2017.

Tính đến hết tháng 10.2017, Hà Nội đã đón hơn 4 triệu lượt/khách du lịch quốc tế (tăng 28% so với cùng kỳ 2016) và 15,8 triệu lượt/khách du lịch trong nước (tăng 7%), chiếm tỷ trọng khoảng gần 40% tổng lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội ngày càng coi trọng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Ngày 26.6.2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TƯ về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Ngày 11.11.2016, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND để chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 06 - NQ/TƯ đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức và chính quyền các quận huyện, phường xã của Hà Nội. Kế hoạch này cũng quan tâm đến việc “Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện. Thực hiện chương trình xây dựng văn hóa cộng đồng, ban hành và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với đẩy mạnh phong trào thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và “Triển khai các chương trình tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tại địa phương nâng cao nhận thức về du lịch; tích cực, chủ động tham gia và phát huy vai trò mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch; vận động nhân dân và đội ngũ lao động ngành du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tích cực tham gia phong trào chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch tại các khu, điểm du lịch; tự giác, tích cực tham gia xây dựng điểm đến du lịch An toàn - Thân thiện - Chất lượng để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của mỗi địa phương nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách”.

Đó là những yếu tố không thể thiếu để có thể tạo dựng một môi trường du lịch lành mạnh. Tuy nhiên, để thực sự phát triển du lịch một cách bền vững, người ta đang ngày càng quan tâm tới một khái niệm rộng hơn, toàn diện hơn -văn hóa và đạo đức du lịch.

Du lịch không chỉ là về nghệ thuật đi du lịch để hưởng thụ riêng cho mình mà còn tạo ra lợi ích cho người khác. Du lịch là một nguồn đóng góp cho nghệ thuật sống cùng nhau và cùng phát triển những giá trị đạo đức và văn hóa trong các tương tác tiếp xúc và quan hệ khi đi du lịch; làm gia tăng sự đồng cảm, khoan dung và tôn trọng nhau để góp phần nâng cao hiểu biết, đón nhận và đánh giá cao sự đa dạng văn hoá của đại gia đình nhân loại. Văn hóa và đạo đức du lịch chắc chắn sẽ góp phần nâng cao giá trị cho chính khách du lịch và lợi ích cho tất cả các bên liên quan.

Những bữa tối ấm áp và đầy quyến rũ tại phố cổ HN

Chúng tôi cho rằng, các bên liên quan trong phạm trù xây dựng văn hóa-đạo đức du lịch bao gồm tối thiểu 5 đối tượng: 1/ Cộng đồng du khách. 2/ Cộng đồng dân cư tại điểm đến du lịch. 3/ Các nhà cung ứng dịch vụ du lịch. 4/ Các nhà quản lý du lịch và liên quan. 5/ Các nhà truyền thông du lịch.

Xuất phát từ tầm quan trọng đó mà ngay từ năm 1999, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức du lịch (the Code of Ethics for Tourism). Trong phiên họp Đại hội đồng lần thứ 22 ngày 15.9.2017 vừa qua, UNWTO đã thông qua Công ước khung của UNWTO về đạo đức du lịch (Framework Convention on Tourism Ethics) trên cơ sở chuyển đổi Bộ Quy tắc đạo đức du lịch - sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử của Tổ chức này, theo đề xuất của Ủy ban Thế giới về đạo đức du lịch (the World Committee on Tourism Ethics - WCTE). Tổng thư ký UNWTO Talef Rifai đã nhấn mạnh sự tăng trưởng liên tục của du lịch, với năm 2016 đã có hơn 1,2 tỷ người đi du lịch khắp thế giới và khoảng 6 tỉ người khác đi du lịch trong nước, và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến tới du lịch bền vững hơn ở mọi khía cạnh. Ông nói: “Cùng với sự phát triển của ngành, cũng có trách nhiệm tăng cường tính bền vững, công bằng, hoà nhập và hoà bình trong xã hội của chúng ta”. Sự kiện này cũng là một trong những hoạt động của UNWTO hưởng ứng thiết thực Năm Quốc tế vì sự phát triển du lịch bền vững (International Year of Sustainable Tourism for Development) do Liên Hợp Quốc công bố và phát động cho năm 2017.

Ngày 2.3.2017, Bộ VH,TT&DL công bố Quyết định 718/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đối với khách du lịch, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh và phục vụ du lịch, các điểm tham quan du lịch và cộng đồng dân cư. Thành phố Hà Nội ngày 25.1.2017 cũng đã ra Quyết định 522/QĐ-UBND ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội với các quy tắc ứng xử chung và ứng xử với người dân. Đây đều là những khâu đột phá rất cần thiết, kịp thời, góp phần từng bước xây dựng nền tảng văn hóa-đạo đức cho ngành du lịch nước nhà.

Việc xây dựng văn hóa du lịch có những nguyên tắc chung, nhưng cũng cần nghiên cứu và triển khai cho phù hợp với đặc thù riêng của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Thủ đô Hà Nội nên tập trung thực hiện một số nội dung:

+ Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục và nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về phát triển du lịch, đặc biệt coi trọng vai trò trực tiếp của chính quyền xã - phường và tổ dân phố, vai trò các tổ chức xã hội (thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi v.v…), sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông và các phóng viên báo đài.

+ Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng liên quan. Bên cạnh vai trò chủ trì của ngành du lịch, rất cần sự góp sức chung tay của các ngành văn hóa, thông tin truyền thông, giáo dục đào tạo, lao động-thương binh và xã hội, y tế, công an, thương mại, giao thông-vận tải, xây dựng, tài nguyên-môi trường…

+ Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Khuyến khích việc kiên kết, hợp tác, hình thành và tổ chức quản lý có hiệu quả các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch theo mô hình bền vững. Có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và đầu tư cho các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất-kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch hoặc tạo sản phẩn du lịch mới, đặc biệt là các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có giá trị quảng bá thương hiệu du lịch Thủ đô.

+ Bảo đảm duy trì môi trường du lịch lành mạnh và giàu tính nhân văn (về nếp sống văn minh, vệ sinh, trật tự, an ninh-an toàn, thân thiện và mến khách…).

+ Từng bước đưa nội dung xây dựng văn minh-đạo đức du lịch một cách phù hợp vào các chương trình giảng dạy và đào tạo tại các trường học, từ cấp phổ thông đến trung cấp-dạy nghề, cao đẳng và đại học. Việc này sẽ hỗ trợ rất đắc lực và thiết thực cho việc đào tạo nguồn nhân lực vừa có chất lượng cao, vừa có ý thức hình thành văn hóa-đạo đức kinh doanh và phục vụ cho ngành du lịch.

+ Tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra; xây dựng và ban hành một hệ thống quy định và chế tài phù hợp, đủ sức phát hiện kịp thời, xử lý thích đáng và ngăn ngừa hiệu quả những vi phạm.

+ Gắn kết hài hòa và hiệu quả việc xây dựng văn hóa du lịch với các phong trào, các hoạt động xây dựng văn minh đô thị, xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp, xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa thương mại, các quy tắc ứng xử và văn minh công sở…, đặc biệt là với phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tổ chức đánh giá định kỳ nhằm tôn vinh, khen thưởng và nhân điển hình các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có đóng góp tích cực, nổi trội trong phong trào xây dựng văn hóa - đạo đức du lịch của thành phố.

Văn hóa Hà Nội luôn luôn tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa đất nước. Hà Nội cũng đã là một trung tâm lớn của cả nước và khu vực và đang khẳng định vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020. Mục tiêu xây dựng, phát triển một nền tảng văn hóa - đạo đức du lịch tương xứng với vị trí Thủ đô là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn nhưng khả thi của ngành Du lịch Hà Nội.

ThS MAI TIẾN DŨNG

Nguồn: Báo Văn hóa