Ðứng trên phương diện của một khách du lịch, tôi luôn băn khoăn như thế nào mới là sự lựa chọn đúng đắn và thông minh cho mình và gia đình khi quyết định đến du lịch tại một điểm nào đó.
Nếu không có những thứ bậc hoặc xếp hạng mang tính đánh giá thì tất cả điểm đến đều bị đánh đồng - ảnh minh họa
Cũng như nhiều du khách khác, tôi tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo chí, các trang web... Nào là các comment bình luận của du khách trước đó, nào là các quảng cáo, brochure, leaflet… Tôi bấn loạn vì có quá nhiều thông tin. Mỗi một điểm đến có một trang web riêng của chính nó. Mặc dù chỉ đọc các trang web về điểm đến của một vùng đất nhỏ mà tôi đã cảm thấy hoa cả mắt và chóng cả mặt vì không biết nên lựa chọn điểm nào cho phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình.
Tìm kiếm trên các trang web uy tín giống như vietnamtourism, tôi thấy có nhiều điểm đến du lịch được xếp hạng như điểm du lịch quốc gia: Chùa Hương, Ngũ Hành Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Phong Nha – Kẻ Bàng… hay đô thị du lịch như Sa Pa, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt… Vậy việc xếp hạng điểm du lịch có ý nghĩa như thế nào với chính bản thân điểm đến, với khách du lịch và các bên có liên quan? Có nên xếp hạng điểm đến du lịch ở Việt Nam hay không?
Với khía cạnh là một du khách cũng như xuất phát từ quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy việc xếp hạng điểm đến là thực sự rất quan trọng, mang lại nhiều giá trị cho các bên có liên quan.
Đối với khách du lịch, việc phân cấp điểm đến bằng cách xếp hạng là thước đo chuẩn mực và phổ biến để du khách có thể nhận biết và tin cậy. Điển hình như để được công nhận là khu du lịch cấp quốc gia thì điểm đến đó phải có đủ các điều kiện theo như Điều 28 Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) gồm:
a) Có tài nguyên du lịch đa dạng, đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa, có ranh giới xác định;
b) Có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch;
d) Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia;
e) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Khu du lịch cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định công nhận và phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức công bố.
Chính vì thế, việc xếp hạng là sự đảm bảo tốt nhất quyền lợi về giá trị và giá trị sử dụng của các dịch vụ mà điểm đến cung cấp cho du khách.
Đối với điểm đến: việc xếp hạng là công cụ và cũng là thước đo trong quá trình điều hành và quản lý điểm đến đó. Ví dụ như một khu du lịch cấp quốc gia phải có quản lý có đủ tiêu chuẩn nghề nghiệp, có bằng cấp đúng chuyên ngành và có tối thiểu một năm kinh nghiệm quản lý du lịch hoặc các lĩnh vực có liên quan hay một hướng dẫn viên tại điểm phải biết sử dụng thông thạo một ngoại ngữ (không phải tiếng mẹ đẻ)…
Việc xếp hạng tạo ra nhiều người có liên quan đòi hỏi phải đủ tầm thực hiện và điều hành. Bên cạnh đó, các điểm đến du lịch được xếp hạng là tiêu chuẩn để chính nó dựa vào đó để quảng bá thương hiệu. Điểm đến nào càng được xếp thứ hạng cao thì tương đương với việc điểm đến đó càng có đầy đủ tiện nghi và dịch vụ để thỏa mãn du khách. Hơn thế nữa, xếp hạng du lịch tạo ra tiền đề đủ mạnh để các điểm đến tại Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường du lịch trong khu vực và trên thế giới.
Không những việc xếp hạng điểm du lịch tác động rất lớn đến du khách, đến bản thân điểm đến mà nó cũng ảnh hưởng đáng kể đối với các cơ quan Nhà nước. Việc phân cấp điểm đến là công cụ để Nhà nước quản lý điểm đến đó sao cho phù hợp với thứ hạng mà điểm đến ấy được công nhận.
Múa Chăm
Chẳng nói đâu xa, một sự kiện cực “hot” vào năm 2012 mà cả đất nước Việt Nam đều trông mong từng ngày, đó chính là sự kiện vịnh Hạ Long được tổ chức New7wonders of the World xếp hạng là 1 trong 7 kỳ quan quan thiên nhiên mới của thế giới làm GDP của du lịch Việt Nam tăng cao, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước song cũng gây ra nhiều hệ lụy.
Tâm lý con người nói chung thích những điều mới lạ và thực sự nổi bật. Một con người bình thường luôn luôn thích những cái nhất chẳng hạn như mới nhất, đẹp nhất, hấp dẫn nhất, thu hút nhất… Du lịch cũng vậy, nếu không có những thứ bậc hoặc xếp hạng mang tính đánh giá thì tất cả điểm đến đều bị đánh đồng, chung chung và xô bồ trong mắt du khách. Sẽ là điều không thể chấp nhận được cho những ai tâm huyết và muốn phát triển ngành Du lịch. Thiết nghĩ, việc xếp hạng điểm đến du lịch là hành động cấp thiết cần được thực hiện công khai và cụ thể để thúc đẩy du lịch thiết thực với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, xoay quanh việc xếp hạng điểm đến du lịch lại có nhiều sự việc cần phải được chấn chỉnh, khắc phục. Khi một điểm du lịch được xếp hạng chứng tỏ điểm đến ấy đủ điều kiện cung cấp cho du khách tại thời điểm nó được công nhận, nhưng không đồng nghĩa với việc nó sẽ mãi tốt và đủ điều kiện về sau.
Chẳng hạn như, sức chứa tại một điểm đến là có giới hạn nhưng việc đón tiếp quá nhiều khách du lịch, vượt sức chứa cho phép trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu. Số lượng du khách quá tải làm cho cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, môi trường không còn sạch sẽ, thiếu nước, thiếu nhà vệ sinh cho du khách…
Không những thế, vấn nạn trong môi trường du lịch tại Việt Nam còn “nóng” hơn khi một điểm đến nào đó được công nhận và xếp hạng. Ở đây tôi tạm gọi là vấn đề “nâng tầm điểm đến”. Đủ chiêu trò làm cho du khách méo mặt và không muốn quay lại điển hình như tình trạng “chặt chém” của nhà hàng, khách sạn hay các đơn vị kinh doanh du lịch tại điểm đến được xếp hạng cao.
Quay lại với vịnh Hạ Long, vào tháng 7/2012, khi chính thức được công nhận danh hiệu kỳ quan thì nơi đây xuất hiện tình trạng “chặt chém du khách” đáng lên án. Những câu chuyện về du khách từng ăn món cá biển 5 triệu/con hay 10 triệu/ con trở nên quá phổ biến ở vịnh Hạ Long đến nỗi chỉ nhắc đến tên khách đã thấy ám ảnh.
Mặc dù vẫn có rất nhiều bất cập xảy ra xung quanh việc xếp hạng và những hệ lụy do nó mang lại. Song, phải nhìn nhận một thực tế là do công tác quản lý của chúng ta khá yếu kém dẫn đến nhiều đáng tiếc xảy ra. Riêng tôi cho rằng, việc xếp hạng điểm đến du lịch là yếu tố cực kỳ cần thiết cho những khách du lịch như tôi trong việc lựa chọn một điểm đến phù hợp.
Nguyễn Lâm Ngọc Vi
Giảng viên Khoa Thương mại – Du lịch Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM