Với mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, lãnh đạo Đà Nẵng kỳ vọng dự án cảng cá Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) sẽ biến cảng cá thành mô hình du lịch như Nhật Bản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phối hợp với UBND TP Đà Nẵngtổ chức hội thảo “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo bộ, địa phương và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định nền nông nghiệp của Việt Nam chỉ có khoảng 4.000 doanh nghiệp, chiếm chưa đến 1%, là rất ít.
|
TS. Trần Đình Thiên tại hội thảo. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Trong đó, đa số doanh nghiệp còn nhỏ, chưa đủ năng lực để thay đổi nền tảng nông nghiệp. Theo TS. Thiên, cần lấy doanh nghiệp làm trụ để thu hút đầu tư. Bởi có doanh nghiệp mới có công nghệ, có thị trường lớn, có tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Các địa phương cần tiếp cận, thu hút doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp.
Nói riêng về Đà Nẵng, TS. Trần Đình Thiên cho rằng địa phương phải luôn chú trọng song hành cặp đôi “du lịch đẳng cấp cao và nông nghiệp công nghệ cao”.
Những tính đặc sắc của nền nông nghiệp cần được phát huy và lời giải nằm ở yếu tố công nghệ cao. Đà Nẵng là một trong những mẫu hình để chứng minh Việt Nam có thể và cần vươn lên du lịch đẳng cấp nhanh. Tận hưởng du lịch phải có ăn uống, hướng đến các sản vật nông nghiệp. Đơn giản là sản phẩm ngon tốt thì mới đắt giá…
"Đà Nẵng đang trong giai đoạn sau APEC càng phải chuẩn bị tốt về tầm nhìn, định hướng. Với hội thảo này cho thấy sự quan tâm của địa phương đến với nông nghiệp công nghệ cao", ông Thiên gợi ý.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết đóng góp của nông nghiệp ở địa phương luôn ở mức thấp so với các ngành nghề còn lại. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ tạo nguồn cung cầu sản phẩm, an sinh xã hội luôn được địa phương coi trọng…
|
Mô hình trồng rau sạch trưng bày bên ngoài hành lang - nơi diễn ra hội thảo. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Mặc dù có được lợi thế nhất định để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực tế vẫn còn nhiều bất cập.
Đà Nẵng đã tạo cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố thông qua Nghị quyết số 104 của HĐND thành phố ngày 7/7/2017 nhằm ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
"Thành phố kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian đến và đặc biệt là thông qua hội thảo này sẽ có ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu và quyết định đầu tư vào lĩnh vực này tại thành phố”, ông Minh nhấn mạnh.
Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã công bố 5 dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là dự án cảng cá Thọ Quang (tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án được triển khai theo theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Nội dung của dự án tập trung để xây dựng bến cảng hiện đại đạt chuẩn, kết nối với cảng Tiên Sa, phát triển hạ tầng phụ trợ bến cảng toàn diện, nâng cấp và mở rộng chợ thủy sản kết hợp chuổi nhà hàng phục vụ du khách; hợp tác tiêu thụ sản phẩm hải sản, nâng cao năng lực quản lý điều hành, giải quyết vấn đề môi trường…
Ông Minh cho biết với dự án này, Đà Nẵng kỳ vọng đây không chỉ là cảng cá đơn thuần mà còn kết hợp phát triển nhà hàng, du lịch, nơi du khách lui tới tham quan.
"Chúng tôi kỳ vọng với sự đầu tư lớn và cách làm bài bản, dự án này sẽ trở thành điểm đến về du lịch như Đài Loan, Nhật Bản", ông Minh kỳ vọng.
TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, kiến nghị để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, thành phố cần rà soát để bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có chính sách tháo gỡ khó khăn khi chuyển đổi diện tích đất rừng có độ dốc thấp sang đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang để mở rộng diện tích đất phục vụ sản xuất", TS. Hậu đề xuất.
|
Vị trí triển khai dự án cảng cá Thọ Quang (tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Ảnh: Google Maps. |