Hóa giải mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển giá trị di sản văn hóa: Còn nhiều trăn trở

Cập nhật: 20/12/2017
Nguy cơ “xóa sổ” di chỉ Vườn Chuối ở huyện Hoài Đức, việc phá dỡ nhà cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây), không tổ chức trông giữ xe ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám gây khó cho du lịch...

Đó là những vấn đề đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây cần có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời cũng cho thấy những thách thức trong việc dung hòa giữa bảo tồn và phát triển, những trăn trở trong lĩnh vực quản lý di sản.

Vẫn nhiều bất cập nảy sinh

Đầu tháng 12-2017, do vướng mắc trong quá trình giải quyết quyền sử dụng đất, một ngôi nhà cổ ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đã bị chủ nhà là bà Kiều Thị Thảo dỡ bỏ phần mái. Bà Kiều Thị Thảo cho biết: “Do cán bộ xã làm thất lạc hồ sơ gốc nên nhiều năm nay gia đình tôi vẫn chưa được xác định quyền sử dụng đất. Không chỉ vậy, trong khi quyền sở hữu nhà, đất chưa rõ ràng, địa phương đã tiến hành trùng tu di sản, và trùng tu không bảo đảm chất lượng. Chính vì vậy, gia đình quyết định dỡ bỏ một phần cấu kiện ngôi nhà để mong sớm được giải quyết những vấn đề tồn tại nói trên”.
 

Những ngày gần đây lượng khách đến tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám giảm đáng kể.


Trước đó, do nhà ở bị mối mọt, xuống cấp, không có kinh phí sửa chữa, gia đình ông Nguyễn Trung Hiền - cũng ở thôn Đông Sàng, đành phải dỡ bỏ một phần ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm. Những gian còn lại cũng đang ở trong tình trạng bị mối mọt, ải mục…

Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều nhà khoa học lên tiếng về thực trạng di chỉ khảo cổ Vườn Chuối thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, lo ngại trước nguy cơ dấu vết lịch sử hàng nghìn năm ở di chỉ này bị “xóa sổ”. Ông Nguyễn Huy Nhâm (Bảo tàng Nhân học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho biết: Trong số di tích, di chỉ khảo cổ được thống kê ở khu vực Hà Nội, chỉ có 2-3 di tích có niên đại hàng ngàn năm mà di chỉ Vườn Chuối là một trong số đó. Để tìm được một di chỉ còn nguyên vẹn và có niên đại rất sớm, kéo dài hàng nghìn năm như vậy rất hiếm.

Tuy nhiên, dù trải qua nhiều đợt khai quật khảo cổ với khối lượng di vật đồ sộ được phát hiện, trong đó có đợt khai quật được thực hiện với sự hỗ trợ về kinh phí từ UBND TP Hà Nội, đến nay, di chỉ này vẫn chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích nên di chỉ có nguy cơ bị “xóa sổ” bất cứ lúc nào.

Nếu sự chậm trễ trong việc trao tính “chính danh” cho di chỉ Vườn Chuối có thể là nguyên nhân khiến di sản bị xâm hại, thì việc bãi gửi xe nằm trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải dừng hoạt động mang lại sự bất tiện cho du khách cũng như ảnh hưởng đáng kể đến việc phát huy giá trị di sản. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, do không còn chỗ gửi xe nên trong những ngày gần đây, lượng khách đến tham quan di tích đã giảm đáng kể. Quanh khu di tích xuất hiện một số cơ sở giữ xe với giá cao, gây khó khăn cho du khách.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Kể từ khi có yêu cầu dừng hoạt động trông giữ xe trong khu vực Vườn Giám vì bãi xe nằm trong khu vực I của di tích, đơn vị phải bố trí cán bộ đứng ngoài đường hướng dẫn khách tới các bãi gửi xe lân cận... Đó không phải giải pháp lâu dài.

Có thể dung hòa lợi ích?

Trong công tác quản lý di sản, khó khăn không chỉ đến từ nhiệm vụ bảo vệ nguyên trạng di sản, mà còn phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, để di sản thực sự “sống”, phát huy những giá trị vốn có. Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn bày tỏ: Bên cạnh vấn đề nhà cổ xuống cấp, việc có nhiều hạng mục, cấu kiện không còn phù hợp với đời sống hiện đại cũng là bài toán khó trong gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Ví dụ như bậu cửa cao gần đầu gối người, rất khó để đưa xe gắn máy vào nhà, trong khi để ngoài sân thì khó giữ gìn. Vật liệu lát sàn hiện đại, với nhiều người sở hữu nhà cổ là đẹp và thức thời hơn so với nền đất, gạch đỏ. Nhu cầu, quan điểm của mỗi người là thực tế phải thừa nhận. Việc tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn di sản sẽ khó phát huy hiệu quả nếu không có giải pháp, nguồn lực hỗ trợ đi kèm.
 

Khách tham quan Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây).


Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn văn hóa dân gian cho rằng: Chúng ta đang thiếu hụt cả tri thức và ý thức bảo tồn di sản. Bảo tồn và phát triển không tự nhiên mâu thuẫn với nhau, điều quan trọng là nhiều địa phương chưa biết cách giải quyết ổn thỏa mối quan hệ đó. Có hai việc quan trọng nhất là lo cho đời sống của người dân trong vùng di tích và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản, làm sao để đồng tiền thu được từ di tích quay trở lại phục vụ công tác bảo tồn.

Với những vấn đề liên quan tới di chỉ Vườn Chuối và di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học nhận định: Việc quan trọng hàng đầu hiện giờ là ngành Văn hóa cần xem lại toàn bộ hồ sơ, đánh giá tình hình khai quật di chỉ Vườn Chuối trong những năm qua, lấy đó làm cơ sở xếp hạng di tích, đưa di sản vào khuôn khổ pháp luật, từ đó có hướng bảo vệ, phát huy giá trị cho phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét, làm rõ vì sao sau nhiều lần khai quật, nhìn thấy rõ giá trị của khu di chỉ mà cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa đưa ra đánh giá cụ thể, bằng văn bản, chưa đưa di chỉ này vào danh mục kiểm kê di tích. Đối với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nếu xét thấy chỗ giữ xe cũ không ảnh hưởng tới công tác bảo vệ di tích, cơ quan quản lý nên có cơ chế đặc thù, cho phép sử dụng một phần nhỏ trong không gian Vườn Giám để tổ chức giữ xe cho du khách với yêu cầu phần việc này phải được triển khai hợp lý, trật tự...

Rõ ràng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề còn rất nhiều trăn trở. Chỉ khi hóa giải được những mâu thuẫn nội tại, các di sản mới thực sự phát huy mạnh mẽ những giá trị vốn có.

Nguồn: cinet