Thành phố Đà Nẵng đón nhận tin vui mà không phải dễ nơi nào có được, đó là năm 2005, Tạp chí uy tín hàng đầu thế giới - ForBes đã bầu chọn Bãi biển Đà Nẵng là một trong sáu bãi biển đẹp trên thế giới.
Thế nhưng, chưa đầy 3 năm sau, du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Đà Nẵng đều phải suy nghĩ và đặt dấu hỏi: liệu Đà Nẵng có còn giữ được sự tôn vinh là một trong những bãi biển đẹp nữa hay không?
Trong quá trình phát triển, Đà Nẵng đứng trước nhiều thách thức và áp lực to lớn mà thách thức lớn nhất đó là các vấn đề về môi trường sống. Do vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Thành phố môi trường” mà Đà Nẵng đang tiến hành, được coi là một việc vô cùng cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố. Tổng chi phí cho đề án này lên đến hàng ngàn tỉ đồng được huy động từ ngân sách Nhà nước cũng như sự đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Con số này không phải là nhỏ so với sự chắt chiu dành dụm của một địa phương miền Trung, nhưng nếu đem so sánh với những lợi ích thu được từ đề án thì đây chỉ là một con số khiêm tốn. Danh hiệu “thành phố môi trường” là điều mà Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng thực hiện được nhờ những nỗ lực của chính quyền và sự đóng góp của toàn dân thành phố. Điều này góp phần nâng cao vị thế của Đà Nẵng trên trường quốc tế, mở thêm những triển vọng về hợp tác, đầu tư cũng như đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội cho thành phố. Nhưng điều chính yếu là ở chỗ, người dân Đà Nẵng sẽ được hưởng thụ những lợi ích làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu thành công, đây sẽ là đề án thành phố môi trường đầu tiên của cả nước, làm hình mẫu để các tỉnh thành tham khảo và triển khai trên toàn quốc. Có thể nói, so với các tỉnh thành trong cả nước, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi khi xây dựng thành phố môi trường. Là một thành phố trẻ năng động, có vị trí địa lý khá lý tưởng về môi trường sinh thái, có một bên là núi, một bên là biển, mật độ dân số không cao và sản xuất công nghiệp có khả năng kiểm soát được về mức độ ô nhiễm. Thành phố đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó tỷ trọng dịch vụ trong GDP được định hướng chiếm trên 60% GDP đến năm 2020. Đó sẽ là những điều kiện tiên quyết cho các chính sách về môi trường. Trên cơ sở tham khảo các bộ tiêu chí thành phố môi trường của một số quốc gia và Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, dự thảo đề án “Thành phố môi trường” đã đưa ra 24 tiêu chí và 3 mốc lộ trình thực hiện đến năm 2020. Một trong những mục tiêu hàng đầu của đề án là tạo nên một thương hiệu “Thành phố môi trường” cho Đà Nẵng, tạo sự an toàn về sức khỏe, môi trường cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.
Để góp phần sớm thực hiện thành công đề án này, thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều công trình nhằm khắc phục việc ô nhiễm môi trường, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình thuộc dự án thoát nước, vệ sinh môi trường có tổng mức đầu tư 41,05 triệu USD. Dự án hoàn thành đã giải quyết được 3 vấn đề bức xúc của thành phố là xử lý rác thải, thoát nước mưa chống ngập và xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, một số hạng mục công trình chưa phát huy hiệu quả triệt để của nó, vẫn còn hiện tượng các cửa cống đổ ra biển Mỹ Khê đã xử lý nhưng nước vẫn bốc mùi hôi làm ảnh hưởng môi trường nghỉ dưỡng của khách du lịch...Mặt khác, hiện nay các nhà hàng sát biển trên tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc đổ chất thải khi chế biến hải sản vào cống phía đông tuyến đường cũng gây bốc mùi hôi thối khu vực này. Chính những yếu tố này đã tạo nên một môi trường ô nhiễm nặng tại bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng.
Trước tình trạng xảy ra một số điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm xử lý vấn đề này. Riêng tại khu vực bãi tắm Mỹ Khê, yêu cầu Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng khẩn trương bàn giao ngay trạm bơm SPS3 Mỹ Khê và hệ thống xử lý nước thải của Dự án thoát nước vệ sinh cho Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và Thoát nước; trên cơ sở đó Công ty có trách nhiệm tiếp nhận và duy trì hoạt động liên tục trạm bơm, hạn chế tối đa nước thải thoát trực tiếp ra biển, gây ô nhiêm môi trường khu vực, chỉ đạo nhà thầu khẩn trương khắc phục các thiếu sót, khiếm khuyết của hạng mục công trình thoát nước vệ sinh trong thời gian 30 ngày. Đối với khu vực các nhà hàng ven biển Mỹ Khê, thành phố yêu cầu các chủ nhà hàng có biện pháp nạo vét, tránh ứ đọng nước, gây ô nhiễm môi trường; Về lâu dài giao Sở Giao thông Công chính phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành khảo sát, lập phương án, thiết kế xây dựng hệ thống thoát nước cho cả khu vực các nhà hàng.
Liệu với những giải pháp cấp bách trên có giữ lại được vẻ đẹp cho bãi biển Đà Nẵng mà cách đây ba năm đã được Tạp chí uy tín hàng đầu thế giới- ForBes đã bầu chọn Bãi biển Đà Nẵng là một trong sáu bãi biển đẹp trên thế giới ?