Đối với các di tích lịch sử, việc bảo tồn, bảo quản nguyên trạng là ưu tiên số một do di tích là chứng nhân lịch sử, chứa đựng những dữ liệu lịch sử, không bao giờ lặp lại và có thể là duy nhất.
Cân nhắc kỹ việc can thiệp vào di tích
Trong hơn 3.500 di tích đã được xếp hạng, có nhiều đền, chùa, vừa là di sản văn hóa vật thể, vừa là thiết chế phục vụ các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.
Hoạt động bảo tồn các loại hình di tích đảm bảo vừa giữ gìn, lưu truyền những yếu tố cũ, nguyên gốc, vừa phải bổ sung, cải thiện các điều kiện cần thiết để di tích tiếp tục được sử dụng, phát huy giá trị trong đời sống. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích cần giữ được "hồn cốt" của di tích, hướng đến tính hài hòa để phục đời sống nhân dân.
Các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật ở Việt Nam, do tác động của thiên nhiên, xã hội và các cuộc chiến tranh đến nay hầu như không còn nguyên vẹn. Bên cạnh đòi hỏi nghiêm ngặt về bảo tồn các nhân tố gốc của di tích, ở một số di tích còn có nhu cầu khôi phục, bổ sung các thành phần đã bị mất hoặc thiếu khuyết. Đây là yêu cầu chính đáng nhằm tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích, đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng tâm linh đương đại của người dân.
Trên thế giới, việc khôi phục, xây mới thậm chí diễn ra ở những di sản nổi tiếng như: Cổng chính ở khu di sản khảo cổ Nara (Nhật Bản); tòa kim tự tháp kính ở bảo tàng Louvre (Paris, Pháp); nhà thờ Sagrada Famillia (Barcelona, Tây Ban Nha); tháp Bồ Đề Đạo tràng (Bodh Gaya, Ấn Độ)...
Việc phá dỡ ngôi nhà cổ nằm trong danh mục bảo vệ làm "nóng" lên vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: Đinh Thị Thuận.
Ở nước ta, những năm gần đây đã diễn ra nhiều hoạt động khôi phục và tôn tạo các hạng mục trong các di tích, khu di tích như: Nhà che bia, nhà Thái Học khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội); đền Âu Cơ, đền Lạc Long Quân khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ); các công trình Chính điện và đền thờ các vua Lê khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa); tháp Tường Long (Hải Phòng); Chùa Dạm (Bắc Ninh); tòa Trung từ đền Kiếp Bạc (Hải Dương); tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn (Hải Dương)...
Theo các chuyên gia, để giữ gìn lâu dài di tích gốc, có thể thực hiện bằng nhiều giải pháp kỹ thuật khác nhau như: Chống mối mọt và sinh vật gây hại, bảo dưỡng định kỳ; tu bổ (gia cố, gia cường, gắn chắp, nối, vá) các bộ phận bị hư hỏng; thay thế một số cấu kiện cũ bị hư hỏng không thể cứu vãn được bằng cấu kiện mới trên cơ sở nghiên cứu, đối chứng khoa học với các bộ phận điêu khắc kiến trúc hiện còn hoặc tư liệu khai quật được ở di tích đó, kể cả việc tham chiếu những di tích kiến trúc cùng thời trong khu vực.
Trong trường hợp di tích xuống cấp nghiêm trọng cả phần mái và cấu kiện, thì có thể lập phương án hạ giải công trình (ghi chép, đánh số, vẽ ghi, chụp ảnh các cấu kiện, làm mái che phủ...) và dựng trở lại công trình một cách chính xác sau khi hoàn thành các hoạt động bảo quản. Việc phục dựng lại di tích đã bị hủy hoại phải là trường hợp rất đặc biệt và có các cứ liệu khoa học về di tích đó.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: cần cân nhắc kỹ việc can thiệp vào di tích. Chỉ tu sửa khi việc bảo quản chưa đủ để duy trì và chỉ tu sửa nhỏ khi chưa thật sự cần đến tu sửa lớn. Đối với các di tích lịch sử, việc bảo tồn, bảo quản nguyên trạng là ưu tiên số một do di tích là chứng nhân lịch sử, chứa đựng những dữ liệu lịch sử, không bao giờ lặp lại và có thể là duy nhất.
Việc khôi phục, cho dù có chính xác đến đâu cũng chỉ có giá trị và hiệu quả hạn chế không thể so sánh với giá trị gốc ban đầu. Về vấn đề phục hồi nếu nói đầy đủ tiêu chí theo khái niệm của khảo cổ học, các định nghĩa quốc tế và Luật Di sản thì phục hồi hoàn toàn là việc rất khó ở Việt Nam
Hướng đến tổng thể hài hòa
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, các di tích xếp hạng ở nước ta thường tồn tại dưới dạng một tài nguyên du lịch khi kết hợp với dịch vụ sẽ trở thành một sản phẩm du lịch. Nếu sản phẩm du lịch không có sự hoàn chỉnh tổng thể thì sẽ không có sức hút.
Di tích lịch sử - văn hóa thường tồn tại qua nhiều thời gian, để lại dấu ấn về công sức, trí tuệ, phong cách, sự sáng tạo của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Bởi vậy, khi xây dựng, tiến hành dự án bảo tồn di tích phải chú ý tính liên tục về mặt phát triển văn hóa, tính kế thừa và tiếp biến văn hóa ở di tích đó. Đồng thời, cần nghiên cứu cẩn trọng, có sự am hiểu sâu sắc và tinh tế để gỡ bỏ những yếu tố thời sau thêm vào không phù hợp, làm sai lệch giá trị, tính chất của di tích.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài cho rằng, tất cả các hoạt động phục hồi, tu bổ, tôn tạo... đều phải theo xu hướng thích nghi để phục vụ nhu cầu của con người; truyền tải được hết các thông điệp văn hóa mà cha ông ta gửi gắm... Có như thế các giá trị của di tích mới có ích cho xã hội, đáp ứng các nhu cầu của con người.
Di tích lích sử - văn hóa tọa lạc ở một vị trí nào đó thường gắn với một sự kiện lịch sử hay một nhân vật lịch sử mà di tích đó là chứng nhân. Việc làm biến dạng, lấn chiếm, hủy hoại không gian môi trường của di tích làm giảm đi rất nhiều giá trị vốn có của di tích. Không được tùy tiện di chuyển toàn bộ hoặc một bộ phận di tích đi nơi khác, trừ trường hợp đặc biệt phải bảo vệ di tích trước nguy cơ bị hủy hoại hoàn toàn do thiên tai hoặc vì lợi ích quốc gia hay quốc tế.
"Tu bổ di tích không có nghĩa là tu sửa. Tu bổ là công việc mang tính chất khoa học, không chỉ cần trí tuệ mà còn cần tâm huyết. Việc tu bổ, tôn tạo cho phép sáng tạo thêm nhưng không được phá vỡ cảnh quan gốc.Việc lựa chọn tu bổ, tu sửa hay phục hồi một di tích... luôn là điều làm trăn trở các nhà nghiên cứu văn hoá", Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam chia sẻ.
Luật Di sản văn hóa 2001, Luật Di sản văn hóa sửa đổi và bổ sung năm 2009, các Nghị định, Thông tư, Quy chế đã quy định cụ thể về hoạt động chuyên môn này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc định ra một công thức cho việc khôi phục, tôn tạo và xây mới trong di tích là không thể. Di tích quá đa dạng, nhu cầu và thái độ ứng xử với di tích cũng đa dạng không kém.
Việc lạm dụng khôi phục hay tôn tạo quá đà là nguyên nhân làm hỏng di tích, giảm sức thu hút và tính thuyết phục. Hoạt động khôi phục, tôn tạo... các di tích cần được kiểm soát một cách chặt chẽ, đồng thời luôn đòi hỏi đội ngũ quản lý và thực thi có đủ năng lực chuyên ngành, có khả năng thấu hiểu di tích và nắm rõ các nguyên tắc bảo tồn, trùng tu để tạo ra một sản phẩm có chất lượng tốt.
Minh Huệ (TTXVN)