Sự phát triển không gian ven biển tại các đô thị và nông thôn hiện nay là một nhu cầu khách quan theo tiến trình phát triển kinh tế – xã hội. Để hình thành các không gian ven biển đảm bảo tổ chức tốt và phù hợp với vùng biển Nam Trung Bộ cần có những nghiên cứu về quy hoạch có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD).
Không gian đô thị ven biển miền Trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước các tác động của BĐKH.
Giải pháp đề xuất nêu ra dựa trên sự khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống, xã hội của địa phương đồng thời phù hợp với hoạt động phát triển kinh tế ven biển hiện nay. Cần phân tích một số vấn đề cơ bản về giải pháp tổ chức không gian chức năng: sản xuất, khu dân sinh, khu sinh hoạt đời sống, cảnh quan và bảo vệ môi trường, đảm bảo tích hợp phát triển kinh tế, xã hội với cân bằng môi trường sinh thái.
Bối cảnh và thực trạng thiên tai BĐKH khu vực Nam Trung Bộ
Vùng ven biển Nam Trung Bộ có các đô thị và nông thôn với vị trí địa lý thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và nhiều tiềm năng biển để phát triển dịch vụ du lịch, công nghiệp biển, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản ven và xa bờ. Kinh tế biển là một trong những ngành mũi nhọn của nước ta, trong đó ngành du lịch, công nghiệp biển, nghề khai thác hải sản, khoáng sản… có sự đóng góp rất quan trọng. Về văn hóa xã hội, mỗi khu dân cư biển thường có những lễ hội riêng mang đậm bản sắc văn hoá dân gian, qua đó tạo thêm sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư biển.
Tuy nhiên, cấu trúc không gian vùng đô thị và nông thôn ven biển Nam Trung Bộ hiện đang trở nên quá tải với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện tại. Địa bàn khu vực miền Trung là nơi thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, gió bão, lũ lụt, sóng lớn, triều cường… Đặc biệt tình trạng mực nước biển dâng do thủy triều, dâng do bão, lũ, dâng do BĐKH. Những năm gần đây, tình hình NBD và bờ biển bị xâm thực xảy ra nhiều hơn, đe dọa các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển. Tại vùng ven biển đã xảy ra hiện tượng biển xâm thực bất thường, cuốn trôi nhiều tài sản nhà cửa nhân dân xây dựng dọc ven biển.
Vùng ven biển Nam Trung Bộ ở trong một vòng luẩn quẩn vì thiên tai bão lụt xảy ra thường xuyên và BĐKH khó lường nên phát triển kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, làm cho một xứ đã nghèo về phương diện kinh tế lại càng nghèo hơn. Mặt khác, tổ chức không gian khu vực này hiện tại đa phần đều là dạng cục bộ, rời rạc và ít khả năng thích ứng với BĐKH – NBD. Sự tranh chấp giữa các không gian gây ra nhiều khó khăn trong phát triển, ứng phó thiên tai và bảo vệ môi trường. Cần tái tổ chức không gian chức năng ven biển để tăng quy mô, khả năng hoạt động và đảm bảo an toàn cho vùng ven bờ. Các vùng ven biển chưa đáp ứng các yêu cầu bền vững cần phải tổ chức môi trường, cảnh quan, thiết lập hệ thống kỹ thuật mới.
Công tác quy hoạch vùng ven biển đã bộc lộ nhiều yếu kém và thiếu bền vững, không ít khu dân dụng, dịch vụ và công nghiệp được xây dựng ở nơi không thích hợp, dẫn đến lãng phí kinh tế và tài nguyên quốc gia. Vì vậy, yêu cầu về việc tổ chức không gian vùng ven biển theo hướng thích ứng BĐKH – NBD trở nên cấp thiết. Đặc biệt là những khu chức năng trong đô thị và vùng nông thôn ven biển để có quy mô đạt tiêu chuẩn phục vụ tốt nhất hoạt động phát triển kinh tế biển.
Mô hình kết nối không gian dựa trên các trục liên kết phát triển.
Quy hoạch thích ứng với BĐKH đô thị miền Trung
Quan điểm quy hoạch đô thị thích ứng khu vực miền Trung là tổ chức không gian theo hướng thích ứng với BĐKH, cấu trúc không gian vùng ven biển được bố trí và phân khu chức năng hợp lý nhằm đảm bảo: sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Đồng thời BĐKH – NBD được thừa nhận là mối đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng ven biển Nam Trung Bộ. Do đó, khả năng thích ứng, ứng phó phù hợp với kịch bản BĐKH – NBD (2016 – 2050) là một trong những yếu tố quyết định.
Tích hợp các giải pháp thích ứng với BĐKH: Chấp nhận – Chia sẻ tổn thất; Ngăn ngừa – thay đổi nguy cơ các tác động; Thay đổi, chuyển địa điểm (né tránh, rút lui); Nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ mới và thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA); Công trình và phi công trình, đa cấp và đa ngành, ngắn hạn và lâu dài, phân tán và tập trung; Giáo dục, thông tin và khuyến khích thay đổi hành vi.
Phát triển dựa vào cộng đồng bao gồm: Cam kết đảm bảo việc thừa nhận trách nhiệm lẫn nhau giữa các bên có tham gia; Cung cấp, chia sẻ các thông tin, dịch vụ cho dự án và cộng đồng; Sự tham gia tích cực vào việc ra các quyết định dự án của những người chịu ảnh hưỏng trực tiếp và gián tiếp; Tăng cường các nguồn lực từ nhiều hướng, làm lợi cho các bên tham gia, nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý.
Không gian xanh công cộng ven biển tại TP Quy Nhơn đóng vai trò là vùng đệm chuyển tiếp hạn chế tác động của thiên tai với đô thị.
Các nguyên tắc quy hoạch thích ứng đô thị miền Trung bao gồm: Quá trình thích ứng (đây là quá trình gắn kết tất cả các yếu tố: xã hội, kinh tế, môi trường, hạ tầng, thể chế một cách chặt chẽ và lâu bền). Tổ chức không gian vùng ven biển phải đảm bảo bền vững cho đời sống xã hội cộng đồng dân cư ven biển, phát triển kinh tế và bảo vệ, thích ứng với môi trường.
Cấu trúc không gian bao gồm: Không gian trung tâm (khu ở, thương mại và dịch vụ, văn hóa cộng đồng, bến cảng cá, hệ thống giao thông thủy – bộ, cây xanh và không gian mở); Không gian biển (khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, giải trí, dịch vụ) và Không gian chuyển tiếp (vùng không gian đệm – sinh thái, thực hiện chức năng dịch vụ sinh thái).
Khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước ở vùng ven biển Nam Trung Bộ gắn liền với những dải đất hẹp, bị chia cắt bởi địa hình do đó việc sử dụng đất xây dựng và vùng nước vịnh, biển cần đúng chức năng và yêu cầu kỹ thuật; tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất, mặt nước, tránh lãng phí tài nguyên; cảnh báo và hạn chế phát triển sử dụng đất tại các vùng ven bờ chịu tác động trực tiếp của BĐKH – NBD, triều cường, sóng lớn, sạt lở, bão lụt…
Hệ thống công trình xây dựng cần: đảm bảo hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, diện tích tối thiểu và khoảng lùi; chú trọng áp dụng kỹ thuật năng lượng công nghệ xanh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật (quy hoạch hệ thống giao thông thủy bộ kết hợp, hệ thống chiếu sáng và đèn hiệu, hệ thống đê bao, hệ thống cấp nước sạch, thu gom nước thải, chất thải).
Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng là cơ sở cho các tính toán và giải pháp; chia sẻ những vấn đề bức thiết, nhu cầu thực tiễn của cộng đồng ngư dân hiện nay; hình thành cấu trúc không gian linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với cộng đồng ven biển.
Quy hoạch thích ứng với tiềm năng kinh tế xã hội đô thị miền Trung
Tổ chức không gian tổng thể là việc xây dựng các hệ trục phát triển không gian liên kết thành một hệ thống, bao gồm: Trục kinh tế biển, liên kết không gian trung tâm và không gian biển; Trục của ngành công nghiệp mới, nền kinh tế carbon thấp và tăng trưởng xanh kết nối các khu vực thương mại, cảng biển – cảng cá, hậu cần dịch vụ; Trục kết nối, liên kết không gian trung tâm và không gian chuyển tiếp; trục cho ngành Công nghệ xanh, chế biến, sản xuất, nghiên cứu phát triển khoa học, bảo tồn văn hóa biển; Trục đổi mới, liên kết không gian chuyển tiếp và không gian biển; Trục cho không gian năng lượng mới và tái tạo, khu đóng – sửa tàu thuyền, dịch vụ – du lịch – giải trí công viên biển.
Không gian giao thoa được hình thành khi có sự tương tác lẫn nhau giữa không gian trung tâm, không gian chuyển tiếp và không gian biển. Giao thoa không gian trung tâm và không gian biển bao gồm: Không gian thích ứng BĐKH – EbA (vùng không gian ven bờ nơi con người có thể sống hài hòa với biển lâu dài); Không gian biển mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động của con người đồng thời làm lợi cho đa dạng sinh học, môi trường biển; Không gian ứng phó BĐKH (vùng không gian bảo vệ bằng các công trình kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật, đối phó với những diễn biến bất lợi của khí hậu); Không gian chấp nhận tác động BĐKH (vùng không gian mà vùng ven biển phải chấp nhập đánh đổi, chịu tổn thất để tiến hành các hoạt động phát triển, khai thác, nuôi trồng. khi có những tác động xấu của khí hậu). Giải pháp di cư, rút lui sẽ được áp dụng nếu BĐKH – NBD là mối nguy hiểm và không đủ sức ứng phó.
Giao thoa không gian trung tâm và không gian chuyển tiếp bao gồm: Không gian thích ứng BĐKH – EbA (khu vực sinh thái tiếp giao với đất liền, cũng là không gian mang tính đặc thù của các vùng ven biển với các chức năng mới đảm bảo phát triển bền vững và thích ứng, ứng phó thiên tai, BĐKH); Không gian bảo tồn sinh thái (không gian cần được bảo vệ nghiêm ngặt vì lý do an toàn cho các vùng ven biển). Hệ sinh thái ở đây được xem là một công trình tự nhiên dùng để ứng phó với thiên tai, BĐKH; Không gian phát triển sinh thái (không gian dự trữ dành cho sự phát triển các vùng ven biển trong tương lai khi các nhu cầu về cư trú, giao thông, sản xuất tăng lên). Không gian này cần được giữ gìn, phát triển đúng mức nhằm tạo tài nguyên cho các thế hệ sau.
Giao thoa không gian chuyển tiếp và không gian biển bao gồm: Không gian cân bằng sinh thái tự nhiên (nơi diễn ra các hoạt động trao đổi chất theo quy luật tự nhiên giữa hai hệ sinh thái, chức năng tinh lọc và tái tạo năng lượng cho môi trường sống). Không gian biển mang lại nhiều lợi ích cho vùng không gian chuyển tiếp, làm lợi cho đa dạng sinh học và môi trường ven biển.
Cấu trúc tổ chức không gian vùng ven biển theo hướng thích ứng với BĐKH – EbA.
Sơ đồ minh họa lựa chọn đất xây dựng khu vực ven biển.
Tổ chức không gian chức năng bao gồm: Không gian khu dân cư – thương mại dịch vụ; Không gian văn hóa (biển); Không gian du lịch – giải trí (ven biển); Không gian công nghệ xanh; Không gian hậu cần nghề biển; Không gian khoa học biển; Không gian công nghiệp biển. Tổ chức hệ thống giao thông đường bộ: Trục giao thông chính kết nối các trung tâm đô thị; Trục giao thông kết nối các khu dân cư; Trục giao thông kết nối các điểm dân cư. Tổ chức hệ thống giao thông đường thủy: Không gian bến cảng trung tâm dịch vụ thương mại; Không gian bến cảng du lịch; Không gian bến cảng hậu cần, công nghiệp, neo trú tàu thuyền tránh bão.
Chuẩn bị đất xây dựng: Cao độ xây dựng khống chế trong tổ chức không gian được lựa chọn trên cơ sỏ khoa học, phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên khu vực. Có các giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (lũ lụt, ngập úng, triều cường, mực nước biển dâng…). Trong mọi trường hợp cao độ nền xây dựng phải lớn hơn 0,3 – 0,5m của tổ hợp các yếu tố: (mức triều + mức nước dâng trong bão + mực nước dự báo nước biển dâng) hoặc (mức triều + lũ cửa sông + chiều cao sóng + nước dâng trong bão + mực nước dự báo nước biển dâng). Các khu vực phân chia tương ứng với độ dốc chung của khu vực i = 0.50.8% như sau:
Khu vực I: Khu vực nguy hiểm – cấm xây dựng; Khu vực II: Khu vực nguy hiểm; trồng rừng phòng hộ trước và sau đê để chống sóng, cát bay, chống sa mạc hóa, cải tạo môi trường sinh thái; Khu vực III: Xây dựng công trình bán kiên cố; Khu vực IV: Khu vực tương đối an toàn; Khu vực V + VI: Khu vực an toàn xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.
Tóm lại, xây dựng cấu trúc không gian vùng ven biển Nam Trung Bộ theo hướng thích ứng với BĐKH được dựa trên phân tích các thành phần không gian cơ bản cấu thành không gian ven biển: Không gian trung tâm; Không gian chuyển tiếp và Không gian biển. Đồng thời, dựa trên mối liên hệ giữa các không gian này hình thành nên các trục không gian phát triển: Trục kinh tế biển; Trục kết nối; Trục đổi mới.
Phát triển hạ tầng xã hội: Tổ chức cách sống bền vững hơn với nhiều hình thức như công – nông – ngư nghiệp bền vững, kinh tế – sinh thái, xây dựng xanh, thực hành kiến trúc bền vững, sử dụng khoa học để phát triển công nghệ, công nghệ xanh, năng lượng mới, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; Tăng cường các cơ sở hạ tầng kỹ thuật bền vững: đê, kè chắn sóng, rừng phòng hộ chắn cát bay, bến cảng, hạ tầng hậu cần nghề biển, giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, rác.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển vùng ven biển Nam Trung Bộ và ứng dụng hiệu quả hơn cho kết quả nghiên cứu, cần tập trung cho giải pháp thích ứng BĐKH dựa vào hệ sinh thái bền vững cho sinh kế ven biển.
Thông qua định hướng tổ chức không gian, các địa phương ven biển có thể lựa chọn mô hình, chuyển đổi cấu trúc chức năng một số vùng đô thị và nông thôn để thích ứng BĐKH; Tăng cường công tác quản lý thể chế, chính sách, khoa học công nghệ, thông tin, dự báo cảnh báo và hoàn thiện văn bản pháp luật để thực hiện tổ chức không gian vùng đô thị và nông thôn theo hướng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường xã hội; Huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của từng vùng, từng lĩnh vực.
Để nghiên cứu này thực sự có thể triển khai áp dụng vào thực tiễn cần thiết đầu tư hơn nữa trong công tác khảo sát thực địa, thực tế phát triển kinh tế – xã hội, đánh giá tác động môi trường kết hợp với các chủ trương đầu tư phát triển của từng địa phương.