Lấy một phần nguồn thu từ di tích để tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích khác đang xuống cấp, cần được bảo tồn trên địa phương. Đây là phương án khá hay, bởi di tích sẽ được gìn giữ thông qua việc khai thác giá trị của nó, giảm gánh nặng ngân sách.
Đó là cách làm mà Sở Văn hóa, Thể thao (VHTT) Khánh Hòa hướng đến và đang trong giai đoạn triển khai. “Hầu hết các di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia đều đang xuống cấp vì yếu tố thời gian. Nếu cứ trông chờ vào ngân sách sẽ rất khó vì không thể đáp ứng hết nhu cầu sửa chữa, trùng tu. Chính vì vậy, sau khi được các cấp, ngành chấp thuận, chúng tôi đang tiến hành triển khai gấp rút. Hàng chục di tích sẽ được trùng tu, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu tâm linh cũng như giữ gìn giá trị văn hóa lâu dài cho đời sau”, ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở VHTT Khánh Hòa cho biết.
Với con số 172 di tích cấp tỉnh và 16 di tích quốc gia, Khánh Hòa được xem là địa phương “giàu có” về bề dày lịch sử văn hóa. Những di tích này đóng góp không nhỏ vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Khánh Hòa, ngoài ra có những di tích mang tầm văn hóa của cả vùng và thế giới như Tháp bà Ponagar, di tích Hòa Lai...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, rất nhiều di tích trong số gần 200 di tích trên địa bàn đang có nguy cơ xuống cấp, thậm chí có nững nơi nếu không trùng tu, sửa chữa kịp thời sẽ biến mất hoàn toàn. “Hằng năm tỉnh đều có kinh phí để trùng tu, hoặc xin từ Bộ VHTTDL, nhưng số kinh phí này không đáng kể so với nhu cầu thực tế.
Chính vì vậy, việc trích một phần kinh phí hằng năm thu được từ chính các di tích, cộng thêm ngân sách của tỉnh, việc trùng tu, sửa chữa sẽ được thực hiện kịp thời hơn”, ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, trước đây tỉnh chỉ cho phép trích 28% kinh phí thu được từ các di tích để dành việc trùng tu, nhưng cũng không nhiều. “Gần đây khách đến Khánh Hòa nhiều hơn, đặc biệt các di tích như Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng (nguồn thu chính của đề án-P.V) luôn là lựa chọn điểm đến của du khách, chính vì vậy nguồn thu lớn hơn. Sau khi tỉnh cho phép nâng mức trích lên 30%, thì số tiền dành cho việc trùng tu cũng nhiều hơn, các di tích sẽ được cấp kinh phí nhiều hơn”, ông Nguyễn Khắc Hà cho biết.
Theo ông Hà, đối với các di tích phải sửa chữa, Sở sẽ cấp tối đa 60% trên tổng dự trù kinh phí. Tuy nhiên, nếu di tích nào nằm trong diện đặc biệt, cần trùng tu gấp Sở sẽ cấp 100% kinh phí để làm ngay. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, sau khi thống kê, hiện trên địa bàn có 59 di tích cần trùng tu, sửa chữa. “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020, tất cả di tích trên địa bàn tỉnh đều được trùng tu, sửa chữa để phục vụ nhu cầu của người dân nói riêng và du khách đến tham quan”, ông Hà nói thêm.
Nói về khó khăn, ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đề án và các di tích cần phải sửa chữa đã có, nhưng cái khó lớn nhất hiện nay chính là đơn vị thi công. “Việc trùng tu phải được thực hiện đúng theo Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, ngoài yếu tố phương án trùng tu ra thì đơn vị thi công chính là khó khăn lớn nhất. Cụ thể, đơn vị đó phải có bằng cấp, chứng chỉ về trùng tu di sản được cấp có thẩm quyền cấp phép. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có vài đơn vị đáp ứng được yêu cầu này, như vậy là quá ít so với nhu cầu thực tế. Bởi rất nhiều nơi cần phải làm ngay, không thể chờ được được nữa”, ông Dũng trình bày và cho biết không loại trừ khả năng sẽ tìm kiếm các đơn vị ở ngoài tỉnh, đủ tiêu chuẩn để thực hiện việc trùng tu.
“Sở giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích chủ trì thực hiện đề án. Trong quá trình thực hiện, Sở sẽ liên tục lập đoàn thanh, kiểm tra đột xuất về việc thi công, thực hiện, nếu đơn vị nào vi phạm, hoặc không đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và pháp lí sẽ đình chỉ ngay. Trong trường hợp nghiêm trọng, sẽ báo cáo lên tỉnh. Quan điểm của chúng tôi, trùng tu, sửa chữa thì phải làm nghiêm túc. Đặc biệt đây lại là di tích, di sản nên phải làm đàng hoàng”, ông Hà nhấn mạnh.