Đầu tháng 12/2017, tôi được dự một buổi tọa đàm về tài chính và biến đổi khí hậu. Điều gây ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là những hình ảnh thương tâm về những con bò ốm chỉ còn da bọc xương, gấu bắc cực chết đói, những đứa trẻ thiếu ăn vật lộn với hạn hán, con người ngụp lặp trong bão lụt, lính cứu hỏa bất lực trước cháy rừng...
Biến đổi khí hậu và tài chính xanh
Những thứ đó không chỉ có ở nước ngoài. Tình trạng nước biển dâng đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng. Với một khu vực chiếm hơn 50% sản lượng lúa, 60% sản lượng thủy sản và 75% sản lượng trái cây của cả nước, tác động của biến đổi khí hậu là vô cùng lớn. Nước biển dâng đe dọa trực tiếp đến nguồn nước, điều mà hoạt động nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào.
Để đảm bảo an ninh kinh tế và duy trì mức sống của người dân trong khu vực này, tất yếu cần đến những dự án để nâng cao mức sống của người dân, giúp họ có thể chống chọi với biến đổi khí hậu. Tài chính xanh chính là cung cấp tiền cho những dự án đầu tư như vậy.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khái niệm “tài chính xanh” là cung cấp tài chính nhằm tạo ra một trái đất tồn tại bền vững, bao hàm các dịch vụ tài chính, định chế tài chính, sáng kiến và chính sách ở tầm quốc gia, các sản phẩm tài chính (trái phiếu, cổ phiếu, bảo hiểm...) giúp dòng tiền đổ vào các dự án kinh tế nhằm cải thiện môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Nói ngắn gọn, tài chính xanh là “bẻ” dòng tiền từ các sản phẩm, định chế tài chính vào các dự án “xanh” và bền vững. Nó cũng bao hàm việc buộc các doanh nghiệp phải công bố mình đã làm gì với môi trường, công khai mức độ tác động đến môi trường từ các dự án kinh doanh của doanh nghiệp...
Một ví dụ về tài chính xanh là vào tháng 11/2017, HSBC đã cam kết sẽ dành 100 tỷ USD để tài trợ cho các dự án làm giảm khí thải, công nghệ giảm khí carbon và tăng tính bền vững của môi trường. Ngân hàng này cũng cam kết giảm cho vay cho các lĩnh vực tạo ra khí carbon như các nhà máy điện đốt bằng than và gia tăng công bố thông tin về “rủi ro khí hậu” của các khoản cho vay của mình. Trước đó, trong tháng 7, JP Morgan cam kết sẽ dành 200 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch.
Quỹ đầu tư Henderson, một trong những quỹ đầu tư đầu tiên của Anh tham gia vào lĩnh vực tài chính xanh và phát triển bền vững hơn 10 năm qua cho biết, chính các nhà đầu tư hiện nay đang đòi hỏi Quỹ phải có các sản phẩm đầu tư xanh, đầu tư bền vững.
“Điều này cũng tương tự như cách mà người ta chịu trả thêm tiền để ăn thực phẩm hữu cơ vậy”, một đại diện của Quỹ nói.
Điều này cũng không quá lạ với người Việt Nam, khi mà khái niệm khởi nghiệp nông nghiệp sạch, khởi nghiệp xanh... đang nở rộ. Nhiều người làm việc trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính đã bỏ nghề để đi trồng rau, trồng lúa sạch, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch.
Trong khi đó, trên bình diện toàn cầu, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững đã là khái niệm phổ biến trong những năm qua. Rất nhiều sàn chứng khoán lớn của thế giới đã gia nhập sáng kiến Thị trường chứng khoán bền vững (Sustainable Stock Exchange Initiative), bao gồm 2 Sở Giao dịch chứng khoán của Việt Nam.
Bốn trụ cột của khái niệm thị trường chứng khoán bền vững bao gồm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm tài chính xanh, gia tăng công bố thông tin về tác động môi trường, “xanh hóa” thị trường tài chính (bao gồm cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư, đưa ra các chuẩn mực và thước đo về tài chính xanh...) và đối thoại xanh (giữa nhà đầu tư với công ty phát hành chứng khoán).
Đầu tư “xanh”: Những câu hỏi ngỏ
Thách thức đối với tài chính xanh hiện nay là thành quả đạt được hiện tại khá giới hạn. Định nghĩa thế nào là “xanh” cũng rất mù mờ. Mặt khác, công bố thông tin về tác động môi trường còn thiếu sự nhất quán, cũng như sự trung thực giữa các tổ chức. Vậy đơn vị nào sẽ kiểm toán những công bố đó? Chuẩn mực kiểm toán là gì? Thước đo ra sao?
Sáng kiến tài chính xanh đang đi qua giai đoạn hô khẩu hiệu và gắn mác “xanh” vào sản phẩm. Đây là giai đoạn tìm kiếm trách nhiệm và phân loại ai làm tốt, ai làm không tốt. Tuy nhiên, các tổ chức đang cho thấy sự bối rối về vấn đề này.
Một chuyên viên phân tích chứng khoán tỏ ra không mấy hài lòng với lời kêu gọi công bố thông tin về tác động môi trường rõ ràng hơn. Vị này nói: “Mọi người dường như muốn ném mọi thứ vào một báo cáo, khiến nó trở nên ngày càng khó đọc, khó tìm kiếm thông tin. Ai sẽ đọc hàng trăm thứ có tính trừu tượng, hàng trăm con số mà không mấy người hiểu ý nghĩa về khí thải, ảnh hưởng môi trường... Liệu có thể gói gọn vào một con số không?”.
Đây là một câu hỏi thực dụng, một bài toán khó cho những người ủng hộ tài chính xanh. Giới sử dụng thông tin công bố muốn có một con số duy nhất phản ánh xem doanh nghiệp đã tiến bộ hay thụt lùi về mặt tác động tới môi trường, kiểu như một con số lợi nhuận vậy. Song, các chuyên gia về môi trường lại đưa ra hàng chục bộ số, với cả trăm thành phần về tác động môi trường, phát triển bền vững và quản trị (ESG).
Nói về một khoản đầu tư thời thượng ESG, người ta thường đặt câu hỏi, cái gì là đầu tư bền vững, đầu tư ESG? Thực tế cho thấy, cứ mỗi doanh nghiệp tuyên bố có trách nhiệm với môi trường, thì có vài công bố về rủi ro với môi trường lọt vào danh sách Chỉ số Bền vững Toàn cầu (DJSI - Dow Jones Sustainability Index) mà không ai quan tâm doanh nghiệp đó có nói thật hay không. Làm sao để kiểm soát được điều này?
“Hiện tại, việc đưa các công ty vào danh sách DJSI chủ yếu dựa vào những điều mà doanh nghiệp công bố, chứ chưa dựa vào những điều mà họ làm”, một chuyên gia cố vấn về thương hiệu và quan hệ nhà đầu tư nói.
Một giáo sư hỏi thẳng thắn đại diện ngân hàng đang trình bày về sản phẩm đầu tư xanh của ngân hàng đó rằng: Làm sao anh biết công ty đó thật sự đầu tư vào dự án xanh? Liệu anh có từ chối một công ty thuốc lá đầu tư vào dự án bền vững với môi trường, trong khi lại chấp nhận một công ty công nghệ sạch nhưng làm dự án đổ rác thải ra biển? Làm sao anh đảm bảo những điều đó không diễn ra?
Nghe như vậy, người viết liên tưởng đến một người bạn hỏi lại khi được chia sẻ về một dự án trồng rau sạch của bạn mình: “Sao mày biết nó trồng rau sạch?”. Tôi không thể trả lời. Dường như những dự án “xanh, sạch” này có thể bùng nổ thành trào lưu trong những năm tới không kém bitcoin hay cổ phiếu công nghệ.
Vấn đề là làm sao áp đặt trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm (accountability) lên những tổ chức phát hành các sản phẩm tài chính xanh (như trái phiếu xanh, cổ phiếu đầu tư vào dự án xanh...)? Họ sẽ bị phạt như thế nào nếu làm sai so với quảng bá?
Cơ hội để đặt sức ép lên doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Sự phổ biến của trào lưu tài chính xanh là một cơ hội tốt để các cơ quan truyền thông và tổ chức xã hội vận động một phong trào đầu tư có trách nhiệm với xã hội và môi trường ở Việt Nam. Mấy năm qua, những vụ bê bối gây ô nhiễm môi trường và những dự báo của các chuyên gia kinh tế về việc sẽ chuyển những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở nước ngoài sang Việt Nam, biến Việt Nam thành một “thiên đường ô nhiễm” là nguy cơ thật sự của nền kinh tế.
Một nước nào đó có thể chạy theo chỉ tiêu tài chính xanh ở nước mình, nhưng lại chuyển các cơ sở ô nhiễm sang Việt Nam. Vì vậy, trào lưu tài chính xanh ở nước ngoài có thể trở thành nguy cơ môi trường ở Việt Nam nếu chúng ta không hành động mạnh mẽ, kiên quyết đòi hỏi doanh nghiệp phải công bố rủi ro môi trường của mình và những biện pháp khắc phục, cũng như kiên quyết xử lý các vi phạm với cam kết về môi trường. Vụ việc tại Formosa Hà Tĩnh là một cảnh báo gần nhất.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh