Loại hình du lịch này không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp nhiều gia đình trở nên giàu có.
Loại hình “Du lịch xanh – homestay” ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam ngày càng trở nên quyến rũ với những ai yêu thích khám phá nét văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm về cùng ăn ở với người dân nơi đây để có một cái nhìn gần gũi, thân thiện hơn trong cuộc sống đời thường của người dân phố Hội.
Trong cái rét buốt của những ngày cuối năm, nhiều du khách cảm thấy thích thú với cuộc sống bình yên trong các ngôi làng nhỏ ven đô thị cổ Hội An.
Du khách ở trong những căn nhà homestay và được trải nghiệm của người dân làng biển An Bàng.
Tại làng biển An Bàng ở phường Tân An, thành phố Hội An, không khí chào đón năm mới 2018 đã rộn ràng. Nhà nào cũng đón dăm bảy du khách nước ngoài đến cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt như một thành viên trong gia đình.
Bà Trương Thị Cườm ở tổ 2, khối An Tân khoe rằng, từ ngày làm dịch vụ homestay đến nay, cuộc sống của 2 mẹ con bà trở nên khấm khá. Bà Cườm kể, cũng như bao phụ nữ làng biển, sau ngày lấy chồng bà ở nhà lo việc nội trợ, chăm con để chồng đi biển.
Trong một chuyến ra khơi gặp nạn, chồng bà vĩnh viễn nằm tận nơi biển sâu, để lại cho bà đứa con trai nhỏ dại chưa đầy 5 tuổi. Vậy là, bà Cườm phải một mình bươn chải, tìm kế mưu sinh. Bà kể: "Hai mẹ con đi phụ hồ cho họ, khổ lắm, cực lắm nhưng khi làm được Homestay này đông khách lắm, mỗi tháng thu nhập khoảng 20 triệu đồng, nói chung là cuộc sống thong thả. Hiện nay ở đây người ta làm Homestay rất nhiều, cuộc sống rất ổn."
Bên trong mỗi ngôi nhà homestay khá tiện nghi nhưng vẫn giữ được vẻ mộc mạc của làng quê ven biển.
Anh Lê Ngọc Thuận, một trong những người tiên phong làm homestay ở An Bàng nhớ lại, dăm năm về trước, nơi đây là làng chài nghèo, người dân quanh năm bám biển mưu sinh, có người đành bỏ làng ra phố kiếm sống.
Ai cũng dễ thấy, chỉ sau mấy năm làm dịch vụ homestay, làng biển An Bàng đổi thay nhanh chóng đến ngỡ ngàng. Làng chài bây giờ nhộn nhịp khách vào ra. Cuộc sống người dân khá lên trông thấy. Anh Lê Văn Thuận bộc bạch, khi bắt tay vào làm homestay, anh chỉ có vỏn vẹn 200 triệu đồng. Với những kinh nghiệm tích lũy qua những năm làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, anh được một người bạn nước ngoài tư vấn về đầu tư phát triển “du lịch xanh - homestay”.
Anh Thuận thuê những ngôi nhà của người dân địa phương, sửa sang lại đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc của căn nhà ở làng quê ven biển và càng ngày càng có nhiều khách Tây tìm đến lưu trú.
Khác với nhiều nơi, những gia đình làm homestay ở Hội An chỉ có từ 3 đến 4 phòng cho khách lưu trú. Các du khách đến đây ở đều được đối xử như người thân trong gia đình.
Họ tham gia đầy đủ mọi sinh hoạt đời thường diễn ra hằng ngày. Họ cùng người dân địa phương đi chợ, thăm đồng, lội ruộng, câu cá, làm vườn, nấu ăn, hô hát bài chòi…
Hòa mình trong cuộc sống thường ngày đó giúp du khách hiểu hơn về phong tục, tập quán, nếp sống của người dân phố Hội. Đặc biệt, cứ vào mùa mưa lũ, du khách lại về với Hội An đông hơn, nhiều nhất vẫn là khách Châu Âu.
Một ngày của du khách tại làng rau Trà Quế, Hội An.
Rất nhiều du khách nước ngoài nhận xét, nước lũ như một thứ “đặc sản” của du lịch Hội An. Họ tỏ ra thích thú khi được đi thuyền trong phố giữa dòng nước bạc, ngắm những ngôi nhà cổ đầy rêu phong và chụp lại khoảnh khắc đẹp của phố cổ Hội An mà khó nơi nào có được.
Chị Harriet, một du khách đến từ Australia cho biết, đây là lần thứ 2 Harriet chào đón Noel và Tết Tây ở Hội An. Chị rất thích cảnh yên bình trong những ngôi nhà homestay của người dân phố cổ, được cùng nấu ăn, vui đón giao thừa chào năm mới và cùng nhau thăm chúc Tết bà con hàng xóm.
Năm 2010, “Du lịch xanh - Homestay” bắt đầu xuất hiện tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Từ vài cơ sở ban đầu, đến nay thành phố này có hơn 320 cơ sở homestay với trên 1.200 phòng.
Loại hình homestay đã giải quyết việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương, góp phần làm đa dạng loại hình dịch vụ lưu trú. UBND thành phố Hội An cũng vừa ban hành các quy định về đầu tư phát triển homestay.
Theo đó, chủ kinh doanh dịch vụ này phải là người dân Hội An, không có vợ, chồng là người nước ngoài, là người có hộ khẩu tại căn nhà làm dịch vụ homestay. Ngoài ra, chủ dịch vụ homestay phải tuân thủ các quy định khác như: đảm bảo 2 thế hệ sống trong ngôi nhà đó và hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa tại thời điểm xin đầu tư phát triển homestay.
Du khách tỏ ra hào hứng với việc thăm đồng, sản xuất
Chính quyền thành phố Hội An cũng quy định cụ thể về kiến trúc xây dựng, diện tích tối thiểu của thửa đất để bảo tồn các làng quê, làng nghề truyền thống. Mỗi ngôi nhà làm dịch vụ này xây không quá 2 tầng, phải có không gian thờ tổ tiên hoặc ngũ tự gia đường, có phòng sinh hoạt chung, khu vực dành cho khách ở phải liền kề với gian nhà chính.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, hầu hết các gia đình làm homestay đều chấp hành đúng quy định này nhưng cũng có một số trường hợp biến tướng tiếp tục được chấn chỉnh.
Homestay là loại hình “du lịch xanh” có sức quyến rũ với những du khách thích trải nghiệm, khám phá nét đẹp văn hóa ở vùng đất mới. Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam sau nhiều năm “ăn nên làm ra” từ loại hình dịch vụ này cũng đang tiến hành kiểm tra, rà soát và quy hoạch lại mạng lưới homestay.
Mục tiêu mà chính quyền và người dân nơi đây hướng tới là làm sao để loại hình homestay ở mỗi làng quê, làng chài ven biển, xóm nhỏ ven phố đều hấp dẫn với những nét đẹp riêng có, níu lòng du khách bốn phương./.