Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Núi Bà Đen cũng ô nhiễm

Cập nhật: 31/07/2008
Để bảo vệ di tích lịch sử văn hóa quốc gia Núi Bà Đen, theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, từ cuối năm 2007, tỉnh đã có văn bản thông báo đóng cửa 6 doanh nghiệp đang khai thác đá thuộc khu Tây Nam núi Phụng (Tây Ninh). Việc vận chuyển, tiêu thụ hết số đá đã khai thác được gia hạn đến tháng 3/2008.

5 trong 6 doanh nghiệp bị đình chỉ đã thực hiện nghĩa vụ bạt mái taluy, san lấp, hoàn thổ mỏ và trồng cây xanh trả lại môi trường xanh tươi cho di tích. Tuy  nhiên chỉ có một doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho khai thác mới hoàn thổ môi trường, đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh buộc phải khắc phục cảnh quan, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính, tịch thu và bán toàn bộ sản phẩm trong kho lấy tiền chi trả khắc phục môi trường, thậm chí truy cứu hình sự nếu cố tình làm trái pháp luật.

Bù đắp lại việc thiếu hụt nguồn đá xây dựng, UBND tỉnh có hướng chỉ đạo mở mỏ mới tại xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Đây là mỏ đá lớn, diện tích khoảng 20ha, với trữ lượng cũng khoảng 20 triệu m³.

 

Lẽ ra trước những quyết định cứng rắn này, Núi Bà Đen sẽ được phong quang, xanh tốt trở lại. Nhưng thực tế không phải như vậy. Những cỗ máy xay đá vẫn chạy ầm ầm nghiền nhỏ từng tảng đá lớn vừa được "bóc" ra từ chân Núi Bà Đen. Những chiếc xe tải chở hàng chục tấn đá vẫn nối đuôi nhau "phóng" từ đây ra đường lớn. Bụi đá từ máy xay, từ mặt đường bốc lên không chỉ làm khổ cánh thợ mà còn phá hủy môi trường khu vực di tích. Các doanh nghiệp đang khai thác đá tại vùng bảo vệ số 1 của di tích cho biết không phải họ khai thác "lậu". Đại diện Chi nhánh Công ty TNHH thương mại Tân Vinh Phát khẳng định, theo giấy phép, cho tới tháng 6/2009, họ được quyền tiếp tục khai thác 185.400 m³ đá trên diện tích 32.750m².  Thậm chí có doanh nghiệp còn nói mới được gia hạn giấy phép đến tận cuối năm 2009.

 

Bên cạnh khối các doanh nghiệp được phép khai thác trên đây, còn có hàng trăm lao động "có nghề" ngang nhiên vào các khu mỏ cũ khai thác đá. Mỗi ngày lực lượng này khai thác từ vài chục đến cả trăm mét khối đá hộc.

 

Không rõ, ai sẽ là "người" phải chịu trách nhiệm về việc di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đang ngày ngày bị "ô nhiễm xâm thực" ?
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường