Những ý tưởng… từ tình yêu môi trường

Cập nhật: 16/01/2018
Không chỉ tích cực hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương, nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên còn ngày càng có nhiều sáng kiến và ý tưởng hay với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Đại diện nhóm tác giả Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh giới thiệu về "Thùng rác xử lý rác sơ bộ”. Ảnh: NVCC

 

*Chống ô nhiễm nguồn nước

Làm sạch nước thải, tận thu cặn thải để làm thức ăn cho cá là ý tưởng sáng tạo của Thanh Mai, sinh viên ngành Quản lý môi trường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Hiện thực ý tưởng của mình, trong hơn 3 tháng liên tiếp, Mai cần mẫn lấy mẫu, tiến hành hơn 400 lần thí nghiệm để tìm được công thức thu hồi protein trong nguồn nước thải từ quá trình nuôi cá.

Mai giải thích, "sở dĩ nước thải bốc mùi hôi thối là do những chất hữu cơ lẫn trong nước phân hủy tạo thành, nếu chúng ta thu hồi được lượng chất hữu cơ này thì nguồn nước sẽ bớt ô nhiễm, đồng thời có thể dùng sản phẩm thu hồi được làm thức ăn chăn nuôi hay phân bón cây trồng rất có ích. Việc xả thải nguồn protein này ra môi trường không những lãng phí mà còn tốn nhiều chi phí đầu tư quy trình xử lý nước thải”. 

Kết quả nghiên cứu của Mai đã thành công, từ nguồn nước thải ban đầu cáu đục, nồng mùi sau khi qua xử lý đã được khử mùi, nước trở nên trong hơn. Các chỉ số pH, COD, TSS, photpho tổng, ni tơ tổng đã giảm đi nhiều lần. Quy trình này chủ yếu dùng năng lượng mặt trời nên không tiêu tốn nhiều điện năng. Nghiên cứu của Mai còn tạo ra một thứ bột khô (protein) được thu hồi từ chính nước thải. Lượng protein được tách bằng cách nhiệt hóa hỗn hợp nước thải, ethanol trong điều kiện pH tối ưu để tạo ra kết tụ. Kết tụ tiếp tục được tách nước qua máy ly tâm và sấy khô, viên lại cho vào bể làm thức ăn cho cá hoặc làm phân bón trong trồng trọt.

*Rô bốt dọn rác

Quan tâm tới vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là tình trạng xâm lấn môi trường nước của lục bình, nhóm sinh viên đến từ phân hiệu Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, sáng tạo rô bốt dọn rác chạy bằng năng lượng mặt trời và thùng rác xử lý sơ bộ mùi hôi.

Nhóm đã lên ý tưởng thiết kế rô bốt có tính năng nhỏ gọn, đáp ứng được các công nghệ chế tạo trong nước, có tính cơ động cao, khả năng di chuyển linh hoạt trên các kênh rạch, sông hồ, có tính đa dụng tự động vớt được rác và lục bình trôi nổi trên sông, có kích thước phù hợp với các kênh rạch lớn, nhỏ.

Về cấu tạo, rô bốt được trang bị hai phao bên hông để có thể nổi được trên mặt nước. Phía trước rô bốt có một gàu múc để vớt rác và lục bình, gàu múc được liên kết với 2 động cơ kéo. Thân rô bốt có một khay chứa để chứa rác và lục bình được vớt từ gàu múc. Trên nóc rô bốt có bộ pin năng lượng mặt trời có khả năng xoay được 360 độ để nhận ánh sáng mặt trời cho rô bốt hoạt động mà không gây ô nhiễm môi trường. Bên trong rô bốt có chứa hộp điều khiển chứa mạch điện và ắc quy. Khoang chứa rác được trang bị cánh quạt thổi khô đặt bên dưới khay chứa nhằm mục đích sấy khô rác thải và lục bình.

Phần điện tử của rô bốt gồm mạch điện trung tâm điều khiển động cơ lái, động cơ thổi, động cơ gàu múc, quản lý chuyển đổi giữa nguồn năng lượng ắc quy và pin mặt trời. Người dùng có thể điều khiển rô bốt bằng tay bởi một cần điều khiển. Ý tưởng của nhóm được đánh giá cao bởi tính tiện ích và khả năng ứng dụng trong thực tế.

*Thùng rác thông minh

Cũng là một ý tưởng giúp ngăn ô nhiễm môi trường, một số sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh lại tìm tòi và sáng tạo ra “thùng rác xử lý rác sơ bộ”.

Thùng xử lý rác được nghiên cứu, chế tạo đa chức năng, giúp giải quyết nhiều vấn đề của rác mà thùng rác bình thường không giải quyết được. Cụ thể, thùng rác có thể tự xử lý sơ bộ rác thải, phân loại rác, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi cho công nhân vệ sinh khi thu gom rác.

Về cấu tạo, thùng rác có 3 khoang chính: Khoang chém, có chức năng làm nhỏ rác hữu cơ phân hủy được. Khoang chứa dung dịch vi sinh vật hữu hiệu. Khoang chứa rác (Ngăn chứa rác hữu cơ không phân hủy được, ngăn còn lại chứa rác hữu cơ phân hủy được đã qua xử lý sơ bộ).

Theo mô hình này, sau khi cho rác vào miệng thùng, rác sẽ được dẫn vào khoang chém và được chém nhỏ sau đó phun đều dung dịch vi sinh vật hữu hiệu. Rác tiếp tục rơi xuống và chứa tại khoang chứa rác hữu cơ phân giải được. Còn rác hữu cơ không phân hủy được sẽ chứa ở ngăn riêng sau khi cho vào miệng thùng.

Từ thành công ban đầu, nhóm tác giả đặt mục tiêu thời gian tới sẽ sản xuất, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng để giúp giải quyết vấn đề môi trường.

Bùi Thọ

Nguồn: Bộ TNMT