Chúng ta đều biết và nhận thức rằng: Môi trường sống xung quanh ta đang ngày càng bị ô nhiễm, có lúc, có nơi đã trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của con người, thậm chí là cả sinh mạng!
Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội con người đã sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, tạo sức ép phá vỡ các cân bằng tự nhiên ở từng quốc gia và cả cấp độ toàn cầu. Nguy cơ làm biến đổi khí hậu toàn cầu là hiện hữu, con người đã đến lúc cần phải nhận thức lại các hành động của mình, như một nhà bảo vệ môi trường đã phải thốt lên: "Chúng ta không phải là chủ nhân trái đất, chúng ta đang vay mượn các thế hệ mai sau trái đất này".
Tuy nhiên nhiệm vụ bảo vệ môi trường là vấn đề rất lớn, đòi hỏi phải có sự tham gia của cả cộng đồng. Do vậy xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ, giải pháp đã được thể hiện rất rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong các chỉ thị, quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một khi đã xã hội hóa được công tác bảo vệ môi trường, đẩy nó lên thành phong trào sâu rộng, nhận thức của người dân được nâng cao, hợp lòng dân thì đây chính là điều kiện quan trọng để bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Thực tế vừa qua hiện tượng hàng loạt những cánh rừng tự nhiên ở Đắc Lắc, Bình Định, Quảng Nam, Bắc Cạn….bị lâm tặc ngang nhiên tàn phá trong một thời gian dài, bên cạnh các nguyên nhân của quản lý Nhà nước còn hạn chế không phát hiện ra, theo chúng tôi còn có yếu tố lòng dân, nếu người dân trong cộng đồng quan tâm bảo vệ thì lưới trời lồng lộng, lâm tặc khó bề lộng hành. Hậu quả là gì? Những tài nguyên vô giá của tự nhiên (cây cổ thụ) - những thành phần quan trọng của môi trường, phải mất hàng trăm năm tạo nên đã vĩnh viễn mất đi!
Viết tới đây tôi nhớ lại câu chuyện của TS. Nguyễn Ngọc Sinh - chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam kể lại: Một số đồng bào từ Tây Nguyên ra Hà Nội cảm ơn Hội vì đã vinh danh cây di sản Việt Nam cho địa phương, kể từ đó, nó trở thành cây giữ nước, cây giữ rừng, được toàn thể cộng đồng cư dân địa phương quan tâm chăm sóc, bảo vệ. Chương trình vinh danh và bảo tồn cây Di sản Việt Nam do Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trườngViệt Nam khởi xướng và phát động có ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc, hợp với lòng dân, được người dân hưởng ứng, ủng hộ và tham gia một cách tự giác.
Mặc dù vừa qua đã có ý kiến của cơ quan Bộ văn hóa thể thao và du lịch về sự kiện này, nhưng sau đó nguyện vọng của người dân vẫn tiếp tục đề nghị, thông qua các tổ chức ở cộng đồng dân cư như: Hội người cao tuổi, Hội đồng hương xã…. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải có những phân tích, đánh giá một cách hết sức khách quan khoa học về hiện tượng này, đặc biệt là phong trào xã hội hóa với ý nghĩa bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường, cái mà tất cả những nhà lãnh đạo, những người quản lý về bảo vệ môi trường đang rất quan tâm như đã nêu ở phần trên.
Kinh nghiệm thực tiễn tại tỉnh Phú Thọ vừa qua và hiện nay cũng minh chứng cho xu thế trên. Ở hầu hết các địa phương có cây cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam, thì việc đầu tiên là không gian sinh tồn của cây được cải thiện: Đất đai xung quanh được quy hoạch mở rộng (diện tích đất trước kia bị lấn chiếm nay phải trả lại, công trình xây dựng phải thu dọn dỡ bỏ, thậm chí nếu không còn đất người dân đã tự nguyện hiến đất cho cụ Đa, cụ Đề). Người dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí, vận động các nhà hảo tâm, con cháu công tác ở xa làm ăn thành đạt gửi tiền đóng góp xây dựng chi phí tôn tạo, chính quyền không phải dùng ngân sách, hoặc ngân sách chỉ hỗ trợ 1 phần rất nhỏ để khởi động. Có thể liệt kê rất nhiều các địa phương điển hình như: Xã Văn Khúc, xã Đồng Lương - Cẩm Khê, xã Sơn Thủy, Tân Phương - Thanh Thủy, xã Trưng Vương - Việt Trì….và gần đây nhất là xã Tiên Du - huyện Phù Ninh. Kết quả là: Cảnh quan nông thôn được cải thiện, tình làng nghĩa xóm được nâng cao và trên hết là ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường được chuyển tải một cách hết sức sinh động và bền vững.
Phải chăng đã đến lúc các bộ, các cơ quan hữu quan nên ngồi lại bàn biện pháp phối hợp với nhau để tìm ra cách tốt nhất, hợp tình, hợp lý - đúng pháp luật, để chương trình cây Di sản Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả của nó.
Việt Trì, tháng 12 năm 2017
TS. Bùi Phúc Khánh-Chủ tịch hội BVTN & MT tỉnh Phú Thọ