Câu hỏi làm thế nào để giảm bớt lượng khách tới Rome (Italia) có lẽ cũng khó không kém là làm thế nào giữ sạch sẽ cho Rome. Nhưng cũng chỉ ở Rome mới thấy cách xử lý rác nơi công cộng vừa thiết thực, vừa nghệ thuật đến thế.
Ngay cả khi kỳ nghỉ Giáng sinh đã qua, mùa du lịch cao điểm hè còn lâu mới tới thì lúc này, giữa tháng 1-2018, lúc Rome được coi là vắng khách nhất, trước mắt tôi vẫn là cảnh các thiếu nữ Trung Đông và Trung Quốc chen chúc nhau quay lưng lại đài phun nước Trevi, lẩm nhẩm lời ước và tung đồng xu vào nước. Người tứ xứ vẫn ngồi tràn trên các bậc thang lãng mạn trên quảng trường Tây Ban Nha. Mới non trưa, đoàn người xếp hàng chờ qua máy kiểm tra vào Vatican và nhà thờ Thánh Pietro đã tự động chuyển sang xếp hàng tại một làn mới, có mái vòm che nắng...
May mắn thay, tại những điểm nóng này của Rome tìm đâu cũng thấy những vòng tròn sắt thanh mảnh giữ căng miệng túi ni lông lớn hứng mọi thứ rác khách du lịch xả ra. Nói vui là các túi rác tỷ lệ thuận với du khách. Đây là kiểu hứng rác nhanh mà thường chỉ đưa ra trong những dịp có lễ hội, liên hoan, sự kiện văn hóa đặc biệt nói chung tại các nước châu Âu. Lúc đó, lượng rác tăng bất thường và việc đặt các túi ni lông chứa rác sẽ giúp thu lượm rác nhanh hơn.
Tại các điểm du lịch của Rome thì hầu như ngày nào cũng áp dụng cách hứng rác này. Rome không hề máy móc để những thùng rác công cộng bằng sắt đen sì hoặc bằng nhựa công nghiệp lòe loẹt được đặt chết cứng trên phố như nhiều thành phố khác. Rome không nhất thiết phải chờ những chuyến xe đổ rác to lớn như xe tăng chật vật tiến vào phố và kỳ cạch mở thùng lấy rác. Rome cũng không cần lượng nhân viên vệ sinh môi trường hùng hậu đeo găng tay trực chiến trước các quảng trường, đền đài. Rome chỉ cần những xe thu gom rác nhỏ cũng có thể len lỏi tiếp cận thùng rác; lúc đấy, những người thu gom rác chỉ cần giơ tay giật nhẹ những túi đựng rác, cả túi rác đã rời khung sắt. Còn khách du lịch, tiện tay ở đâu họ cũng có thể vứt được rác đúng quy định.
Hình ảnh khách du lịch vừa đi đường vừa ăn rất phổ biến. Các thùng rác di động cũng như có cánh, xuất hiện khắp nơi. Chưa hẳn sạch sẽ như mong đợi, nhưng ý thức về thu gom rác ở Rome khá ấn tượng trong tôi. Trong khi người nhập cư bán rong ở Rome tự gom rác cho thành phố như vậy thì các nhà hàng ở đây cũng tái sử dụng rác, hạn chế rác thải theo kiểu riêng mà có lẽ chỉ đầu óc người Italia mới nghĩ ra được.
Khi lang thang dọc con đường đẹp như mơ Via Rei Corona tiến vào quảng trường Navona, tôi bắt gặp một nhà hàng dùng các lát chanh khô treo lên chậu cây cảnh trước cửa. Từ xa đứng ngắm các lát chanh đong đưa theo gió như những chiếc khuyên tai ngộ nghĩnh, đáng yêu. Đây là những lát chanh đã tan hết vị chua trong tách trà hay ly nước ngọt du khách bỏ lại, nhà hàng tận dụng làm đồ trang trí trước khi vứt đi. Xe đạp cũ nát được sơn màu, kết hoa, gắn giỏ mây đặt ở các góc đường cũng đủ sức làm nhóm nữ du khách châu Á ríu rít kéo đến chụp ảnh. Những vỏ chai bia đã uống cạn nay treo ngược thành một trần nhà đầy những mắt tròn thủy tinh độc đáo trong một quán bar...
Càng đi, càng thấy việc áp dụng phân loại rác ngay trong từng hộ gia đình là vô cùng quan trọng. Thủy - chủ nhà trọ gốc Việt tôi thuê tại Rome kể: “Một anh ở cách nhà em một khu phố vừa kêu bị phạt đến mấy trăm euro vì phân loại rác thải sai quy định”.
PHONG HÀO (từ Rome, Italia)