Nhiều di sản sau vinh danh chưa được chú trọng bảo tồn

Cập nhật: 23/01/2018
Một trong những tồn tại được Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, định hướng năm 2018 là việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản đã được UNESCO công nhận tại một số địa phương chưa được thường xuyên chú trọng

Nhiều vị trí ở khu vực Trường thành phía Đông Bắc Thành Nhà Hồ (Di sản thế giới) bị sạt lún nghiêm trọng Ảnh: T.L

 

Rà soát di sản bị… “quan ngại”

Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định, năm 2017 có nhiều khó khăn đối với tổ chức UNESCO. Tuy nhiên, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò thành viên tại Hội đồng Chấp hành và Uỷ ban Di sản thế giới, triển khai có “ấn tượng” đợt vận động cho Ứng cử viên của Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO.

Những kết quả nổi bật được điểm là Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức, triển khai nhiều sự kiện lớn, đầu việc gia tăng đột biến, củng cố, tăng cường và đưa quan hệ Việt Nam - UNESCO đi vào chiều sâu; Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 40 năm thành lập; đánh giá và chỉ ra những định hướng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - UNESCO trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã chủ động đề xuất chuỗi sự kiện mang tính quốc tế nhằm kỷ niệm 30 năm ngày UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất”…

“Một trong những điểm nổi bật năm 2017 là việc bảo vệ, vận động thành công việc UNESCO công nhận 2 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại “Bài Chòi Trung Bộ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Đặc biệt, đối với trường hợp hồ sơ Hát Xoan, Ủy ban đã tư vấn, tham mưu để Phú Thọ có những biện pháp bảo tồn và phát huy thành công di sản, góp phần đưa di sản ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là trường hợp đầu tiên được xem xét, công nhận và thực sự là niềm tự hào của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế với nỗ lực thành công nhằm bảo tồn và phát huy giá trị một di sản có nguy cơ bị biến mất…”, Ủy ban cho hay.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đã vận động thành công để UNESCO công nhận hồ sơ Châu bản Triều Nguyễn là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới - MOW (năm 2014, Châu bản Triều Nguyễn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương).

Báo cáo cũng khẳng định những kết quả nổi bật mà Ủy ban đã đạt được trên từng lĩnh vực: Giáo dục, Khoa học Tự nhiên, Văn hóa, Thông tin Truyền thông, Khoa học xã hội. Riêng trong lĩnh vực Văn hoá, báo cáo nhấn mạnh thêm, UBQG đã thể hiện tốt vai trò thành viên của Việt Nam tại các công ước mà Việt Nam tham gia như Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hoá thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, Công ước 2005 về đa dạng các biểu đạt văn hoá...

Ủy ban cũng đã tuyên truyền, định hướng với các Bộ, ngành và địa phương cần chú trọng xử lý việc cân bằng giữa bảo tồn di sản và khai thác phục vụ phát triển kinh tế một cách bền vững. Đặc biệt, Ủy ban đã chủ động tổ chức các cuộc họp nội bộ, rà soát một số di sản đang bị Ủy ban Di sản thế giới đưa vào danh sách quan ngại. Trên cơ sở đó, Ủy ban đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với Hạ Long, chuẩn bị làm việc với Phong Nha - Kẻ Bàng và các Bộ, ngành liên quan để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội thảo tăng cường công tác bảo tồn và quản lý di sản.

Cán cân bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Ủy ban cũng đang tiếp tục thúc đẩy việc Chính phủ cho phép gửi báo cáo tóm tắt Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà để đưa vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Đồng thời, đã xây dựng hồ sơ Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam để ghi danh vào Danh sách di sản phi vật thể đại diện nhân loại, chuẩn bị xây dựng hồ sơ đa quốc gia Nghệ thuật sơn mài và hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái để trình UNESCO.

Bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn mà Ủy ban phải đối mặt như tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường; việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn đã tác động không nhỏ tới các hoạt động của tổ chức UNESCO cũng như liên quan tới Ủy ban UNESCO Việt Nam. Cùng với đó, nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn của các cán bộ phụ trách còn khiêm tốn vì kiêm nhiệm; công tác phối hợp tiểu ban chuyên môn dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế.

Đáng chú ý, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản đã được UNESCO công nhận tại một số địa phương chưa được thường xuyên chú trọng là một khó khăn, hạn chế được nhấn mạnh. Ủy ban cũng xác định các mục tiêu: Duy trì và tiếp tục củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và UNESCO; tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban; tăng cường phối hợp các tiểu ban trong UBQG; kết nối giáo dục Việt Nam với giáo dục thế giới; hỗ trợ các địa phương làm hồ sơ di sản, bảo tồn, phát huy và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học; tăng cường quảng bá về UNESCO tới cộng đồng; quan tâm triển khai việc xây dựng và phát triển mạng lưới quốc gia Công viên địa chất toàn cầu...

“Về văn hóa, tăng cường hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các chương trình, hoạt động của UNESCO, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO, các mô hình phát triển của UNESCO tại địa phương. Phối hợp, hỗ trợ với các địa phương trong công tác chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận di sản, bảo tồn và quản lý di sản; thúc đẩy phát triển du lịch bền vững…”, UBQG UNESCO Việt Nam cho biết. 

Phương Anh

Nguồn: Báo Văn hóa