Ngày 2/8/2008, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 100 đại biểu đại diện cho 15 khu bảo tồn và các vườn quốc gia đã tham dự “Diễn đàn truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học khu vực phía nam” do Viện Sinh học nhiệt đới (ITB) tổ chức.
Diễn đàn nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông về đa dạng sinh học (ĐDSH), tạo cơ hội cho các khu bảo tồn (KBT) và vườn quốc gia (VQG) gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, xác định các vấn đề tồn tại và các giải pháp trong công tác truyền thông về ĐDSH; giới thiệu những giá trị ĐDSH của các KBT và VQG tiêu biểu, đặc trưng ở phía nam Việt Nam đến với giới khoa học, các tổ chức bảo tồn, các nhà tài trợ cũng như công chúng.
TS. Hoàng Nghĩa Sơn - Viện trưởng ITB cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 12 triệu ha đất có rừng, trong đó bao gồm hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên với nguồn lợi thiên nhiên rất phong phú, đa dạng về thực vật và động vật; có giá trị to lớn nhiều mặt về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, rừng Việt Nam đã và đang bị thu hẹp nhanh chóng do con người tàn phá. Viện trưởng ITB, kêu gọi các nhà khoa học và bảo tồn ĐDSH liên kết với nhau trong nỗ lực bảo vệ nguồn gien đa dạng của thực vật, động vật rừng Việt Nam; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư sống trong rừng và ven rừng; đồng thời cần có cách tiếp cận mới với sự tham gia phối hợp của nhiều tổ chức, các viện nghiên cứu, các VQG và KBT về đào tạo, huấn luyện cho lực lượng quần chúng tham gia vào chương trình truyền thông giáo dục môi trường bảo vệ rừng cho thế hệ mai sau.
Tại diễn đàn, đại diện các VQG Mũi Cà Mau, Tràm chim (Đồng Tháp), Cát Tiên (Đồng Nai), Bù Gia Mập (Bình Phước) Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)… đã giới thiệu, cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, xây dựng chương trình hợp tác hành động về truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân tham gia bảo tồn ĐDSH; đồng thời tìm đối tác trong và ngoài nước quan tâm cùng phối hợp để bảo tồn ĐDSH. Các đại biểu cũng đã tham quan các gian hàng triển lãm về những hình ảnh, các hoạt động nghiên cứu khoa học bảo tồn và giá trị, tiềm năng về kinh tế - xã hội, du lịch, môi trường của các VQG và KBT khu vực phía nam.