Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 2372/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 về việc ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thành khu du lịch sinh thái với diện tích 1000ha, khách sạn 100 phòng, kết hợp trung tâm tổ chức hội nghị, khu dịch vụ ăn uống, khu tham quan giải trí, khu resort, khu nghỉ dưỡng, khu phục hồi sinh thái.
Ea Sô, khu rừng nguyên sinh
Khu rừng sinh thái Ea Sô nằm cách trung tâm huyện Ea Kar 20km, với đường giao thông thuận lợi là khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, nằm trên trục quốc lộ 29 trên đường đi Phú Yên. Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có tổng diện tích 26.848.2 ha với thảm thực vật rừng đa dạng như kiểu rừng kín thường xanh, kiểu rừng kín nửa lá rụng, kiểu rừng thưa cây lá rộng, kiểu trảng cây to, cây bụi, cỏ cao khô nhiệt đới, kiểu rừng nửa rụng lá hỗn hợp giao tre nứa, lồ ô, kiểu rừng tre nứa, le gai,…. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý hiếm như gỗ cà te, gõ đỏ, bằng lăng, căm xe, giáng hương…
Với đa dạng loài động vật hoang dã, theo ghi nhận ở khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có 279 loài thuộc 92 họ, 29 bộ ở 4 lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái. Trong đó đến 69 loài quý hiếm như sói đỏ, hươu vàng, mang lớn, bò rừng, chồn dơi, bò tót, sơn dương... Về thực vật rừng có đến 716 loại thuộc 141 họ, 47 bộ ở 7 lớp thuộc 5 ngành thực vật như dây gấm, dương xỉ, ngọc lan, thông đất.
Nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô là hồ Thủy điện Krông H’Năng với độ cao 240m rộng 1.518 ha, rất thuận lợi cho phát triển du lịch với các trò vui chơi giải trí trên mặt nước, đua thuyền lướt ca nô trên mặt nước, câu cá giải trí vào dịp cuối tuần. Cùng dòng thác Bay nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có chiều cao khoảng 30m, có 3 tầng thác với dòng nước chảy mạnh. Đến với khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô sẽ đến với trạm số 9 với khu rừng sinh thái đa dạng, hệ động thực vật phong phú cùng dòng suối quanh năm chảy qua, những tảng đá với với đầy đủ kích thước nằm dọc theo con suối tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp nên thơ và vô cùng lãng mạn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có hệ sinh thái và động vật quý, hiếm cộng với khung cảnh hoang sơ hùng vĩ, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái gắn với tham quan nghỉ dưỡng, giáo dục ý thức môi trường cho thế hệ trẻ.
Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào dân tộc Ê Đê
Khám phá nơi đây du khách sẽ tham quan vườn cây ăn trái với các loại cây nhãn, vải thiều, cam, quýt của bà con đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó là công trình thủy lợi hồ chứa nước Ea Rớt tại xã Cư EaLang (gồm hai công trình chính là hồ chứa nước Krông Pắk Thượng (dung tích 114,84 triệu m3, tưới 12,750 ha) và hồ chứa nước Ea Rớt (dung tích 16,71 triệu m3). Đây là công trình thủy lợi lớn ở Tây Nguyên. Dự án được đầu tư xây dựng gần 3.000 tỷ đồng, cung cấp tưới cho 14.900 ha đất nông nghiệp của huyện Ea Kar và một phần của huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Công trình hoàn thành sẽ góp phần cung cấp đủ nước tưới cho các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, mía và cung cấp nước tưới cho lúa và hoa màu, cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân.
Ngoài ra du khách sẽ chiêm ngưỡng quả đồi Cư Cúc đứng sừng sững giữa đất trời cuốn hút những ai muốn khám phá thiên nhiên. Đứng từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, những cánh đồng mênh mông, những vườn cà phê xanh mướt, hàng cây vươn mình bên dòng nước…tất cả sẽ thu vào tầm mắt người quan sát đem đến cảm giác thật trong trẻo và thanh bình với nhiều động vật sinh sống như óc thỏ, chồn, gà rừng...
Đồi Chư Cúc là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử, sau chiến thắng 30/4/1975. Du khách đến đây có thể giao lưu văn hóa với đồng bào Ê Đê sinh sống tại đây, cùng thưởng thức các món ăn độc đáo như: canh bột, cá suối, canh cà đắng, đọt mây …Thuận lợi hơn nữa là hệ thống nhà hàng cơm gà 52 nổi tiếng của huyện ngay cạnh 7 buôn này, du khách có thể ghé thưởng thức. Buổi tối bên ánh lửa trại bập bùng, nhâm nhi ché rượu cần, du khách sẽ không thể không hòa mình vào điệu múa xoang của các cô gái Tây Nguyên trong nhịp chiêng tươi vui, rộn rã, những bài hát Kứt, Airei cùng diễn tấu các loại nhạc cụ đinh năm, takta…
Du khách sẽ cùng tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng với 129 nhà dài trong đó có 46 nhà dài đẹp, trung bình mỗi nhà khoảng 60m2 – 90m2. Nhà dài Ê Đê do phụ nữ làm chủ, phản ánh sự tồn tại của chế độ mẫu hệ. Với những giá trị, sắc thái mang đậm ý nghĩa nhân văn của văn hóa truyền thống, nhà dài không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Ê Đê mà còn là nét văn hóa rất tiêu biểu của dân tộc bản địa tại Ea Kar. Những nét đẹp ấy đã góp phần làm đa dạng và tạo nên bản sắc văn hóa cho huyện Ea Kar nói riêng.
Do đó, việc hình thành tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn huyện Ea Kar là việc làm cần thiết để phát huy các tiềm năng, lợi thế hiện có, vừa tạo thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho bà con góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương đồng thời phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới làm phong phú thêm sản phẩm du lịch tại Đắk Lắk nói chung và huyện Ea Kar nói riêng…
Phương Hiếu - Diệu Vũ