Vườn Quốc gia Cát Bà (Cát Hải, TP. Hải Phòng) đã xây dựng một chiến lược phát triển bằng việc kết hợp chặt chẽ công tác bảo tồn với các hoạt động phát triển du lịch.
Phát hiện nhiều loài mới
Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới với diện tích trên 17.000ha, có nhiều loài động thực vật quý hiếm. Voọc Cát Bà đã đưa Cát Bà trở thành nơi phát triển các hoạt động du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Hiện, VQG Cát Bà có gần 1.600 loài thực vật, trong đó, có 81 loài nguy cấp, quý hiếm có trong sách Đỏ Việt Nam, sách Đỏ Thế giới như loài Tuế Hạ Long. VQG Cát Bà hiện có 343 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó, có 34 loài thuộc diện nguy cấp, đặc hữu nằm trong sách Đỏ Việt Nam, đặc biệt là loài Voọc Cát Bà duy nhất chỉ có tại nơi đây.
Từ năm 2006 đến 2012, VQG Cát Bà phát hiện thêm 4 loài mới gồm: loài dơi xám mũi lớn, thạch sùng mí Cát Bà, thằn lằn bóng phê nô Bắc Bộ và loài dơi nếp mũi Gripphin. Ngoài ra, Vườn còn có nhiều loài khác: côn trùng rừng, nấm rừng, động thực vật biển (rong biển, cá, san hô, sinh vật phát triển, sinh vật phù du, động vật đáy…). Một số loài quý hiếm được xếp hạng: 19 loài san hô, 3 loài rùa biển và 1 loài thú biển. Các loài rùa da, đồi mồi xếp hạng cực kỳ nguy cấp, cần bảo tồn cấp bách, nghiêm ngặt.
Theo ông Hoàng Văn Thập, Giám đốc VQG Cát Bà: Đơn vị đã bảo tồn kết hợp phát triển tài nguyên đa dạng sinh học. Tập trung vào các loài nguy cấp, quý hiếm, xây dựng các mô hình ứng dụng với nhiều nhiệm vụ, dự án cụ thể. VQG Cát Bà hợp tác quốc tế, xây dựng nhiều chương trình, trong đó, đáng kể phải nói tới 150 mô hình sinh kế tại 3 xã vùng đệm, nâng cao nhận thức, tăng thu nhập cho người dân, từ đó, hạn chế áp lực khai thác tài nguyên đa dạng sinh học.
Đến nay, VQG Cát Bà trồng mới trên 450 ha rừng các loại, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trên 1.000 ha, xây dựng 2 khu vườn sưu tập các loài phong lan, hoàn thiện 13,5 ha vườn thực vật… Qua đó, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, cảnh quan, phát huy chức năng phòng hộ, chống xói mòn, rửa trôi, cải thiện nguồn nước, tạo hành lang di chuyển, mở rộng nơi trú ngụ cho động vật hoang dã, cải thiện đời sống người dân vùng lõi khu dự trữ sinh quyển. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, giảm thiểu sức ép lên các hệ sinh thái rừng và biển.
Thách thức giữa bảo tồn và phát triển
Hiện VQG Cát Bà gặp nhiều khó khăn, thách thức do đảo Cát Bà có lợi thế về du lịch, hàng năm có nhiều khách tham quan. Do đó, tác động vào các giá trị sinh học là không thể tránh khỏi, đe dọa gây tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.
Trước tình hình trên, VQG Cát Bà đề ra nhiều nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ sự nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng tự nhiên, rừng trồng và các hệ sinh thái khác, trong đó chủ yếu tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phối hợp giữa các bên liên quan phát hiện, xử lý kịp thời mọi mối nguy hại, tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền cùng nhiều chương trình hành động cụ thể chung tay bảo vệ quần đảo Cát Bà.
VQG Cát Bà xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, đào tạo đội ngũ cán bộ, thiết lập hệ thống quản lý, giám sát đa dạng sinh học đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Ngoài việc nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Cát Bà tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ công vụ. Phát triển vốn rừng nhằm nâng cao vai trò phòng hộ, giữ đất, làm sach môi trường, hấp thụ khí nhà kính. VQG Cát Bà tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ quốc tế, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, tạo nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát triển. Qua đó, duy trì, phát huy đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển các loài đặc hữu nguy cấp, các mô hình sinh kế.
Đăng Hùng - Thành Đạt