Định hướng xuyên suốt của du lịch Huế là phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
Đến Huế sẽ được đạp sẽ trên những con đường rợp bóng mát
Xanh và sạch
Gần đây, trong chuyến đến Huế để khảo sát các điểm du lịch mới, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, ông Trần Văn Long có chia sẻ, sau một thời gian dài quay lại, Huế vẫn yên bình với những con đường phủ cây xanh, cảnh quan thiên nhiên không bị phá vỡ, là thế mạnh để phát triển du lịch.
Nghiên cứu của Khoa Du lịch- Đại học Huế gần đây về khả năng thu hút khách của điểm đến Huế cho thấy, phong cảnh thiên nhiên, hấp dẫn về văn hóa và an ninh, an toàn là ba yếu tố quan trọng nhất khiến du khách chọn Huế. Với ba yếu tố này vẫn có sự dịch chuyển khác nhau giữa khách quốc tế và nội địa, riêng phong cảnh thiên nhiên được cả hai dòng khách lựa chọn đầu tiên.
Ngày 28/6/2016, Huế đã vượt qua 125 thành phố trên toàn thế giới, được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế vinh danh là “Thành phố Xanh quốc gia”. Và với những nỗ lực để gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường, cuối tháng 12/2017, Tổng cục Du lịch thông báo, Huế vinh dự đạt giải thưởng “Thành phố Du lịch sạch ASEAN”. Giải thưởng này sẽ được trao cho Huế tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á – ATF 2018, diễn ra ngày 26/1 tới ở Chiang Mai, Thái Lan.
Hiện nay, khá nhiều công ty du lịch ở Huế triển khai những tour tuyến, phát triển du lịch dựa trên yếu tố bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết, lý do hình thành tour “Sáng Thủy Biều - Chiều Tam Giang” là giúp du khách có trải nghiệm gần với thiên nhiên, đây cũng là xu hướng phát triển du lịch xanh trên thế giới. Theo đó, nguồn năng lượng để phục vụ du khách ở homestay Thủy Biều hoàn toàn sử dụng bằng năng lượng mặt trời. Khi đến đây, du khách còn tham gia làm vườn, trồng cây, tận hưởng những giá trị sống gắn với thiên nhiên.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhận định, du lịch xanh đang phát triển tại Huế và ngày càng thu hút được du khách. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, sự phát triển du lịch xanh đã và đang mang lại những lợi ích, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương. Ngoài ra, du lịch xanh còn góp phần nâng cao dân trí và sức khoẻ cộng đồng thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường và nghỉ ngơi giải trí.
Hàng cây mới được trồng tạo bóng mát trên tuyến đường tham quan Đại Nội
Phát triển du lịch Huế bền vững
Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng cho hay, tốc độ phát triển của du lịch đang khiến nhiều địa phương phải “khổ sở”. Chẳng hạn như ở Hội An. Nhiều người nơi khác đến Hội An mua đất, xây nhà và kinh doanh dịch vụ homestay. Khi phát triển quá nhanh đã làm mất đi các giá trị, khiến UBND tỉnh Quảng Nam ban hành một quy định được xem là vi hiến, trái pháp luật. Một loạt yêu cầu bắt buộc khi kinh doanh, như: Nhà ít nhất có 2 thế hệ, có thành viên ở tại đó, có bàn thờ tổ tiên… quy định này ở cấp độ địa phương là không thể.
Cũng theo ông Nguyễn Diễn, sự phát triển du lịch gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu. Phát triển du lịch bền vững được xác định là yêu cầu cấp bách của toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng và Huế không ngoại lệ. Phát triển bền vững được hiểu đó là sự phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, từ năm 2008, tỉnh đã có kế hoạch phát triển bền vững giai đoạn 2008 – 2020, trong đó, đã ý thức rõ việc cần bảo vệ tài nguyên du lịch của địa phương, nhất là yếu tố môi trường tự nhiên và di sản văn hóa, với những định hướng phát triển bền vững du lịch.
“Để du lịch phát triển bền vững và hiệu quả theo định hướng, ngành du lịch Huế đã, đang tập trung thực hiện các giải pháp, lập kế hoạch phát triển từng sản phẩm du lịch một cách cẩn thận từ lúc bắt đầu để mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hoá, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên; nâng cao năng lực cạnh tranh với các điểm đến du lịch khác trong khu vực, thông qua việc nghiên cứu xu hướng, nhu cầu của du khách, lồng ghép các nguyên tắc bảo tồn văn hóa và thiên nhiên đặc hữu để tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng. Mang đến sự hài lòng cho du khách mà vẫn đảm bảo tính toàn vẹn của văn hóa địa phương, các giá trị thiên nhiên và giá trị di sản”, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch, một trong những định hướng phát triển du lịch của Huế là bảo tồn những giá trị địa phương thông qua việc phát triển những ngành nghề thân thiện với môi trường và sử dụng một cách tiết kiệm nhất các năng lượng không có khả năng tái tạo; chú trọng bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại các điểm du lịch, mỗi một doanh nghiệp khi tổ chức tour tuyến mới phải duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các điểm du lịch.
Phát triển du lịch là tất yếu và bảo vệ môi trường thiên nhiên sẽ giúp phát triển bền vững, điều này Huế đang làm rất tốt.
Bảy chương trình hành động của Huế khi nhận danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia”: Tăng cường xanh hoá đô thị thông qua việc trồng thêm nhiều diện tích cây xanh, bảo vệ diện tích mặt nước tự nhiên; xây dựng và cải thiện công tác giám sát, xử lý nước thải và chất thải rắn của thành phố; áp dụng hệ thống chiếu sáng thông minh hiệu suất năng lượng cao; thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho thành phố, trong đó chú trọng vào việc tổ chức xây dựng các tuyến thăm quan nhà vườn và các công trình di tích, hệ thống sông hồ, thủy đạo; đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo vào các hoạt động du lịch và dịch vụ; sử dụng vật liệu tự nhiên, vật liệu xây dựng không nung để xây dựng các công trình, cơ sở công cộng và tư nhân/hộ gia đình; tiến hành khẩn trương xóa, giảm và di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi thành phố. |
Bài, ảnh: Đức Quang