Ngày 18/1, tại Hà Nội, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã chủ trì phiên họp với sự tham gia của các đại diện tới từ: Đại sứ quán CHLB Đức, UNDP, GIZ; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Y tế; các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Vụ Hợp tác quốc tế; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Cục Bảo tồn đa dạng sinh học… để triển khai các nội dung trao đổi tại COP 23, tìm hiểu thêm về các ưu tiên của Đức và nhu cầu nhận hỗ trợ từ Đức để Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris và NDC cho giai đoạn từ 2020 trở đi.
Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: Khánh Ly)
Tại cuộc họp lần này, ông Jorg Rurger, Bí thư Thứ nhất của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội phụ trách về Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên, Xây dựng và Phát triển Đô thị đã trình bày về Sáng kiến khí hậu Đức (IKI) hỗ trợ tài chính về khí hậu và đa dạng sinh học. Các hỗ trợ tập trung vào giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, REDD+ và đa dạng sinh học.
Phương thức tiếp cận của IKI là hợp tác song phương, đa phương và toàn cầu. Trong giai đoạn vừa qua, IKI đã thực hiện nhiều dự án với các quốc gia và kinh nghiệm thực hiện cho thấy, việc có nhiều dự án nhỏ gây khó khăn trong khâu quản lý bởi chỉ có một số mục tiêu nhất định. IKI hiện đang xây dựng quy trình mới năm 2018, đối với các đối tác chính (bao gồm Việt Nam), BMUB/IKI sẽ đệ trình biên bản ghi nhớ để khởi động quy trình. Việt Nam sẽ gửi các ưu tiên cho BMUB/IKI về chương trình hỗ trợ NDC và đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó BMUB/IKI sẽ xây dựng đề xuất quốc gia. Ông Jorg Rurger đề nghị Việt Nam xây dựng đề xuất theo nhu cầu ưu tiên và cần phù hợp với ưu tiên của BMUB/IKI.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Bộ TN&MT với vai trò cơ quan đầu mối thực hiện Thỏa thuận Paris và NDC của Việt Nam đề xuất các nội dung cần hỗ trợ, bao gồm: thể chế hóa các mục tiêu BĐKH, lồng ghép các mục tiêu BĐKH; đào tạo cán bộ; sự tham gia và minh bạch trong ứng phó với BĐKH; rà soát, cập nhật NDC định kỳ; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và cập nhật kịch bản, dự báo BĐKH; các hành động đồng lợi ích nhằm chuyển đổi quy mô lớn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Đối thoại BĐKH với lĩnh vực tư nhân; hỗ trợ Bộ KHĐT khung tài chính và công cụ để lồng ghép BĐKH vào các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin, nhu cầu hỗ trợ quốc tế trong ứng phó BĐKH, và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam là rất lớn, với kinh phí ước tính khoảng 30 - 40 tỷ đô la. Bộ KH&ĐT đề xuất IKI nên tập trung hỗ trợ các nội dung: xây dựng chính sách quốc gia và lĩnh vực; chuyển giao công nghệ; đầu tư thí điểm; tăng cường năng lực và phát triển nguồn nhân lực; huy động nguồn lực tài chính; huy động sự tham gia của tư nhân; lồng ghép biến đổi khí hậu, NDC và SDG 2030 vào các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới (SEDP và SEDS).
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết các ưu tiên của Bộ về thực hiện NDC trọng tâm là đa dạng sinh học. Còn đại diện Bộ GTVT đề xuất hợp tác với IKI trong các hoạt động liên quan tới phát triển giao thông ít phát thải từ đường bộ, đường thuỷ, hằng hải, hàng không; Ứng dụng công nghệ làm tích kiệm nhiên liệu giảm phát thải; sử dụng phương tiện thay thế; công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo cho chiếu sáng công cộng…
Kết thúc buổi họp, Ông Phạm Văn Tấn ghi nhận nhu cầu hỗ trợ quốc tế của các Bộ, ngành và cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Đức. Các thông tin đề xuất hỗ trợ liên quan đến thực hiện Thỏa thuận Paris và NDC sẽ được Cục BĐKH, UNDP và GIZ tập hợp, lấy ý kiến trình các cơ quan có liên quan của Việt Nam để kịp thời gửi phía Đức xem xét hỗ trợ cho chu kỳ hỗ trợ sau năm 2019 của IKI.
Trước đó, trong thời gian diễn ra Hội nghị COP23 hồi tháng 11/2017, Đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân của Cộng hòa Liên bang Đức (BMUB) về tăng cường hợp tác với Đức thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH. Phía Đức khẳng định sẽ ưu tiên dành nguồn lực cho các hoạt động quy mô lớn, có tính liên ngành giúp Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.
Chu Thanh Hương