Năm 2017 đánh dấu di sản Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới với sự kiện nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ và Hát Xoan Phú Thọ chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa về công tác quản lý di sản trong năm 2017.
PV: Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và nền văn hóa đa dạng, với hệ thống di sản văn hóa (DSVH) giàu có cả về số lượng, loại hình cũng như giá trị di sản. Năm 2017, công tác quản lý các di sản văn hóa được thực hiện ra sao, thưa Cục trưởng?
Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng: Nhìn chung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH năm 2017 được triển khai một cách khá đồng bộ và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Hát Xoan Phú Thọ chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy pháp luật về DSVH phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về DSVH, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 quy định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BVHTTDL ngày 05/7/2017 quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật; Thông tư số 04/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/8/2017 quy định Chương trình bồi dưỡng kiến thức về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh... Đó là những công cụ pháp lý quan trọng được bổ sung vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DSVH.
Hiện nay, trên cả nước có gần 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật di sản văn hóa. Trong đó, có 85 di tích quốc gia đặc biệt, 3.424 di tích quốc gia, gần 10 ngàn di tích cấp tỉnh, thành phố. Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói trên đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đặc biệt, 08 di tích và danh lam thắng cảnh tiêu biểu, mang giá trị độc đáo và nổi bật toàn cầu đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Khoảnh khắc vui sướng của đoàn Việt Nam sau khi Hát Xoan Phú Thọ được Unesco công nhận là Di sản đại diện của nhân loại. (Ảnh: Phạm Cao Quý)
Trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng 32 di tích quốc gia. Bộ VHTTDL đã phối hợp với Hội đồng DSVHQG hoàn thiện 10 hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt, 25 hồ sơ hiện vật và nhóm hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia trình Thủ tướng chính phủ xem xét quyết định năm 2017.
Hiện cả nước đã có 228 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cục DSVH đã phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cũng như công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại các địa phương.
Đặc biệt, Hát Xoan Phú Thọ đã được đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam được ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay, Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
PV: Công tác quản lý di sản vốn là lĩnh vực khá nhạy cảm, hoạt động này phải đối diện với những khó khăn, thách thức gì không, thưa Cục trưởng?
Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng: Di sản văn hóa là lĩnh vực rất nhạy cảm, vì di sản văn hóa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, liên quan tới đời sống sản xuất, cũng như sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và DSVH cũng là sản phẩm “chủ lực” để phát triển du lịch bền vững.
Đoàn Việt Nam vui mừng khi UNESCO công nhận bài chòi là Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại. (Ảnh: Phạm Cao Quý)
Quá trình đổi mới, toàn cầu hóa đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến các di sản văn hóa, đặt di sản văn hóa đứng trước những thử thách khốc liệt của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và cơ chế kinh tế thị trường. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp có nơi được phục hồi nhưng cũng nhiều nơi mai một dần. Vai trò cá nhân trong sáng tạo, trong phát triển được đề cao nhưng cũng vì thế (và còn nhiều yếu tố khác tác động) mà tính cộng đồng đang suy giảm. Vấn đề đặt ra là, cần xử lý hài hòa, thỏa đáng những mối quan hệ phức tạp trong quá trình hội nhập và phát triển. Đó là những mối quan hệ giữa: kinh tế và văn hóa, phát triển và bảo tồn, truyền thống và hiện đại, quốc gia và quốc tế v.v... Xu thế toàn cầu hóa về kinh tế và quốc tế hóa về văn hóa một mặt tạo ra những cơ hội và điều kiện cho hoạt động bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi nước, song cũng nảy sinh nhiều nguy cơ hủy hoại các giá trị văn hóa truyền thống và đe dọa sự tồn vong của các di sản văn hóa. Bên cạnh đó những yếu tố như: Nhận thức về vai trò và ý nghĩa của DSVH trong xã hội chưa thật sự sâu sắc và đầy đủ; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn DSVH còn mỏng, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động chuyên môn còn yếu cũng là những thách thức mà chúng ta cần vượt qua để cùng hướng tới mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển bền vững trong xu thế hiện nay.
PV: Việt Nam thật tự hào, khi đến nay đã có 8 DSVH vật thể, 12 DSVH phi vật thể, 6 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Vinh dự thường đi kèm với trách nhiệm. Cục DSVH có phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản như thế nào trong thời gian tới?
Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng: Cục DSVH là cơ quan tham mưa giúp Bộ VHTTDL thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về DSVH theo quy định của pháp luật. Như tôi đã khẳng định, thách thức lớn nhất trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH hiện nay là làm thế nào để hiện thực hóa được mục tiêu bảo tồn DSVH gắn với phát triển bền vững. Theo đó, để hiện thực hóa được mục tiêu này, cần tiếp tục tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật bao gồm pháp luật về di sản văn hoá và pháp luật liên quan đến sự đóng góp của tổ chức, cá nhân vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Hai là, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa thông qua việc đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về di sản văn hoá và việc xử lý nghiêm minh các hành vi làm huỷ hoại, biến dạng di sản văn hoá.
Ba là, phải nhận thức việc bảo tồn di sản văn hoá và phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau.
Bốn là, gắn bảo tồn với phát huy và khai thác thông qua phát triển du lịch bền vững là cách thức tốt nhất để di sản văn hoá được tồn tại bền vững.
Năm là, tiếp tục ban hành và thực hiện những chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, tạo điều kiện để nghệ nhân được thực hành và giữ gìn di sản, khuyến khích nghệ nhân trao truyền những kiến thức và kỹ năng cho các thế hệ tiếp theo.
Sáu là, chú trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý văn hoá, nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát huy và khai thác giá trị di sản văn hoá cho các nhà quản lý văn hoá và chính quyền địa phương, để có đủ khả năng xử lý các tình huống có nguy cơ hủy hoại hoặc làm biến dạng, dẫn đến việc suy giảm giá trị đích thực của di sản cũng như ảnh hưởng đến quyền sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của cộng đồng chủ thể văn hoá.
Bảy là, bảo vệ di sản văn hoá phải gắn liền với bảo vệ môi trường, không gian cảnh quan của di sản, hạn chế mọi sự ảnh hưởng và những tác động làm phá vỡ cấu trúc văn hoá, lịch sử và xâm hại tới môi trường sinh thái, nhân văn của di sản văn hoá. Cần đặt lợi ích hiện tại trong mối quan hệ với phát triển tổng thể, lâu dài của xã hội và xác định việc tiếp tục giữ gìn, bảo vệ giá trị di sản sẽ tạo cơ hội cho chất lượng cuộc sống của cộng đồng và cho sự phát triển bền vững.
Bảo tồn di sản văn hóa để những giá trị tốt đẹp vĩnh hằng của di sản truyền vào tâm thức từ thế hệ này sang thế hệ khác, giữ gìn những dấu ấn vật chất của quá khứ, mà hầu hết là sản phẩm đỉnh cao về nghệ thuật là một vế quan trọng. Nhưng vế còn lại chính là phát huy, khai thác mang lại nguồn thu cho bảo tồn, cho sự phát triển bền vững cũng quan trọng không kém. Bởi vậy, di sản văn hóa cần được bảo vệ và phát huy bằng sức mạnh và trách nhiệm của từng người dân, của cộng đồng, của cấp ủy Đảng, của chính quyền các cấp, để cùng xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tính liên vùng, liên tỉnh và liên ngành một cách đồng bộ.
PV: Xin cảm ơn ông!