Quảng Ninh có gần 1.500 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là những sản phẩm vật chất, tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, là tài sản quý của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Di sản - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) là một trong những điểm đến thu hút hàng triệu lượt du khách hành hương hằng năm. Ảnh: Phan Hằng
Những năm gần đây, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản phục vụ phát triển du lịch đã được đầu tư với số vốn hàng ngàn tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Tiêu biểu là các công trình tại Khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí), Khu di tích nhà Trần (TX Đông Triều), Di tích đền Cửa Ông... Phát huy giá trị các di sản gắn với du lịch đã đóng góp một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách của tỉnh. Theo thống kê, năm vừa qua, tổng số khách du lịch đến với Quảng Ninh là 9,8 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 4,3 triệu lượt, doanh thu gần 18.000 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính riêng lượng khách đến tham quan với Vịnh Hạ Long là 3,9 triệu lượt (khách quốc tế 2,7 triệu), doanh thu 1.103 tỷ đồng; khách tham quan Yên Tử đạt gần 2 triệu lượt (khách quốc tế 250 ngàn), doanh thu gần 500 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, với gần 80 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội lớn và đặc sắc như: Yên Tử, chùa Ba Vàng, Ngọa Vân, Tiên Công, đền Cửa Ông... đã trở thành những tài nguyên du lịch đặc sắc để quảng bá bản sắc văn hóa, con người Quảng Ninh. Các lễ hội đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Ngược lại, du lịch cũng đang khai thác nguồn lực di sản để tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của đông đảo các đối tượng du khách khác nhau. Biến di sản thành tài sản, tạo ra sự phát triển hài hòa, bền vững, đó chính là những biện pháp cụ thể của hai quá trình “kinh tế hóa văn hóa” và “văn hóa hóa kinh tế”, diễn ra đồng thời trong hoạt động du lịch hiện nay.
Chương trình hành động số 15 - CTr/TU, ngày 16/8/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch Quảng Ninh cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa Quảng Ninh; trở thành một trong những địa phương có ngành Du lịch phát triển hàng đầu cả nước và trong khu vực Đông Nam Á.
Quần thể di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đang được đầu tư, tôn tạo với quy mô lớn. Ảnh: Phan Hằng.
Để đạt được mục tiêu đề ra cần thiết phải thực hiện một số giải pháp sau: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển bền vững du lịch văn hóa; huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho việc khai thác di sản gắn với phát triển du lịch bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di sản và khai thác du lịch. Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết gắn với hoạt động du lịch, đồng thời tiến hành đầu tư, tôn tạo có hiệu quả để phục vụ khách du lịch; dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các địa bàn trọng điểm, động lực về du lịch; nâng cao khả năng kết nối giữa các khu, điểm du lịch; đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch.
Cùng với đó, cần thiết mở rộng không gian văn hóa kết nối các di sản văn hóa liên vùng; tăng cường quảng bá, xúc tiến, phát triển thị trường khách du lịch đến với Quảng Ninh; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với hình ảnh “Nụ cười Hạ Long”; chủ động xây dựng nội dung thông tin, xúc tiến quảng bá với các hình thức phù hợp; tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù, độc đáo riêng có của từng di sản văn hóa, kết hợp với các tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp, an toàn, tạo được ấn tượng tốt đẹp và sự hài lòng của du khách.
Trần Tiến Dũng (Sở Văn hóa – Thể thao)