Sau hơn 4 năm thành lập, Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (BTTN & DTVC) ở Đồng Nai đã có hơn 1.100 ha cây gỗ lớn đã được trồng dặm trong 4.085 ha rừng của khu sinh thái và vùng đất chưa có rừng.
Ngoài việc tập trung dọn sạch khoảng 3.000 ha cây nguyên liệu giấy để trồng bổ sung 10.000 ha rừng cây gỗ lớn và bản địa trên những vùng đất chưa có rừng với những loại cây có giá trị cao như: sao, dầu, gõ mật và gõ đỏ... với mục tiêu làm giàu hóa rừng nghèo kiệt, Khu BTTN & DTVC còn có chức năng bảo vệ rừng và đất rừng phòng hộ trực tiếp cho hồ Trị An, góp phần tái tạo cân bằng sinh thái, đồng thời là nơi có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái.
Thành lập cuối năm 2003 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm quản lý di tích chiến khu Đ và Khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu, Khu BTTN & DTVC rộng hơn 68 ngàn ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 52.245 ha, còn lại là rừng trồng và đất chưa có rừng. Khu BTTN & DTVC thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, bao gồm rừng cây gỗ, rừng hỗn giao gỗ - lồ ô, rừng tre - lồ ô với những sinh cảnh rừng có cấu trúc nhiều tầng, thảm thực vật đa dạng; là nơi cư trú của nhiều loại thú lớn thuộc nhóm quí hiếm. Hiện trong Khu BTTN & DTVC có 614 loài thực vật, nằm trong 390 chi, 11 họ, 70 bộ thuộc 6 ngành thực vật, trong đó có nhiều loại nằm trong sách đỏ như: trắc, cẩm lai, dầu rái, dầu mít, dầu song nàng, sao đen... và 276 loài động vật thuộc 84 họ, 28 bộ. Có một số loài nằm trong sách đỏ như: vượn má hung, bò tót, cu li, chà vá chân nâu, voi, trĩ sao, gà so cổ hung... Ngoài ra, còn có hàng chục loài thuộc hệ cá cũng đang được điều tra, nghiên cứu mở rộng. Tuy nhiên, do chu vi của Khu BTTN & DTVC rộng hơn 260km, nhiều khu vực tiếp giáp với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, trong khi lực lượng kiểm lâm của Khu hiện chỉ có trên 200 người, được bố trí ở 14 trạm kiểm lâm nên việc bảo vệ rừng đang gặp rất nhiều khó khăn, đấy là chưa kể số hộ dân sống trong rừng hoặc vùng đệm thuộc Khu lên đến 5.415 hộ với 24.180 nhân khẩu thuộc các xã: Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu.
Chỉ tính từ đầu năm 2008 đến nay, trên địa bàn Khu đã xảy ra hàng chục vụ phá rừng, săn bắn động vật hoang dã, quý hiếm, vận chuyển lâm sản trái phép... Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu BTTN & DTVC đề xuất: Ngoài việc xử lý nghiêm những người vi phạm thì chính quyền địa phương cần sớm xây dựng phương hướng bảo vệ rừng đến từng hộ gia đình, đặc biệt là các hộ sống trong và giáp ranh Khu BTTN & DTVC. Cùng với việc triển khai thực hiện dự án di dân ra khỏi Khu BTTN & DTVC, Ban Giám đốc Khu đã lập phương án mở một đường mới từ xã Phú Lý đến trung tâm huyện Vĩnh Cửu nằm sát bìa rừng dài hơn 20 km để tạo hành lang ngăn cách các khu dân cư và các khu rừng tự nhiên, hình thành điểm tham quan và du lịch.