Vốn là người không được học hành đến nơi đến chốn, nói tiếng Kinh không sõi cũng như phải trải qua tuổi thơ khốn khó, thiếu thốn trăm bề nhưng bằng nghị lực phi thường, cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu đã trở thành người tiên phong làm du lịch xanh, du lịch trải nghiệm. Cô được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 30 gương mặt trẻ Việt dưới 30 tuổi năm 2016.
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng
Có lẽ giới làm du lịch không còn xa lạ gì với công ty SaPa O’Chau (tức là Cảm ơn Sa Pa) của cô gái trẻ người dân tộc Mông tên Tẩn Thị Shu. Thế nhưng cô được dư luận biết đến rộng rãi khi tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 30 gương mặt trẻ Việt dưới 30 tuổi năm 2016. Trong lời vinh danh của mình, tạp chí Forbes Việt Nam giới thiệu: “Năm 2007, cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu thành lập Sapa O’Chau, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sapa) theo mô hình du lịch cộng đồng. Sau hơn tám năm hoạt động, Sapa O’Chau đã mở rộng từ du lịch thiện nguyện sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sapa”.
Nhưng ít người biết rằng, đằng sau lời giới thiệu ngắn ngọn kia là một quá trình cố gắng không biết mệt mỏi của cô gái sinh năm 1986. Tẩn Thị Shu phải trải qua một tuổi thơ nghèo khó, phải tự lao động kiếm sống từ khi còn rất nhỏ. Hàng ngày chị phải đi bộ từ bản ra thị trấn để bán hàng rong, có những ngày bán được vài chục ngàn, nhưng có những ngày không bán được đồng nào cả. Những đêm ngủ vỉa hè, mùa đông cũng không đủ quần áo ấm để mặc … đã trở thành một thói quen thường trực của cô gái mới 9 tuổi đã phải lăn lộn kiếm sống khắp các vỉa hè ở thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Tẩn Thị Shu nhận giải thưởng “World’s Responsible Tourism Award 2016” – giải thưởng Du lịch có trách nhiệm của thế giới năm 2016.
Trải qua một cuộc sống cơ cực như vậy nên Tẩn Thị Shu có một khát vọng cháy bỏng muốn thoát ra và kéo những người dân tộc thiểu số như mình ra khỏi cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu. “Khi nhìn những đứa trẻ không được đi học, tôi đau lòng lắm. Bản thân tôi cũng chỉ học đến lớp 3 là phải theo mẹ xuống thị trấn Sa Pa kiếm sống. Tiếng Kinh không biết, tiếng Anh lại càng không. Tôi bắt đầu làm du lịch từ thực tế như vậy. Thế nhưng chính những điều đó đã trở thành động lực để tôi cố gắng và đạt được giấc mơ của mình” – Chị Shu tâm sự.
Khi Tẩn Thị Shu 21 tuổi, chị đã có kinh nghiệm 12 năm làm du lịch. Học tiếng Anh qua những lần giao tiếp, hướng dẫn khách du lịch nước ngoài, chị nhận ra mình cần phải chuyên nghiệp hoá hoạt động du lịch ở địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh giống mình. Vì thế năm 2007, Tẩn Thị Shu đã dám thành lập cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (thị trấn Sa Pa) theo mô hình du lịch cộng đồng có tên Sapa O’Chau. Du khách khi tham gia vào các tour của Sapa O’Chau đến tham quan đồng thời giảng dạy một nghề hoặc ngôn ngữ miễn phí cho trẻ em địa phương.
Sau hơn tám năm hoạt động, trải qua muôn vàn khó khăn, Sapa O’Chau đã phát triển, mở rộng từ du lịch thiện nguyện sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sa Pa như một cách tạo nguồn thu bền vững doanh thu lên đến hàng tỉ đồng. Năm 2016, bên cạnh việc được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 30 gương mặt trẻ Việt dưới 30 tuổi năm 2016, Tẩn Thị Shu còn nhận được giải thưởng “World’s Responsible Tourism Award 2016” – giải thưởng Du lịch có trách nhiệm của thế giới năm 2016.
Người tiên phong làm du lịch xanh
Theo các chuyên gia làm du lịch thì du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Nếu theo tiêu chí trên thì Tẩn Thị Shu có thể được coi là người tiên phong làm du lịch xanh.
Chia sẻ về tiêu chí làm du lịch của mình, chị cho biết: “Đối với tôi, khai thác du lịch đi kèm với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đối với người dân địa phương, họ cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với số phận của vùng đất nơi họ đang ở và đối với con cháu đời sau của họ. Nếu họ không tỉnh táo mà chạy theo cái lợi trước mắt thì họ chỉ kiếm tiền được trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Sau đó môi trường có thể bị hủy hoại, hình ảnh người dân trong mắt khách du lịch sẽ suy giảm và họ sẽ không quay trở lại nữa. Đời mình no mà đời con cháu đói thì đâu có được”.
Xác định muốn quảng bá văn hóa, quảng bá thiên nhiên và con người Sa Pa thì phải lấy yếu tố con người là trung tâm, chị Tẩn Thị Shu đã cố gắng thúc đẩy và hướng dẫn nhiều người Mông làm du lịch học tiếng Kinh, tiếng Anh, học cách ứng xử cho hay cho đẹp, cách làm việc sao cho chuyên nghiệp để mỗi người họ sẽ là một đại sứ văn hóa cho Sa Pa. Chị tâm niệm: “Thẳng thắn mà nói thì văn hóa của dân tộc mình có hay đến mấy, có đặc sắc đến mấy mà không phô được nó ra thì cũng như không. Thế nhưng để kết hợp giữa quảng bá và phát triển du lịch bền vững lại không phải câu chuyện đơn giản. Nó đòi hỏi người làm du lịch phải có trách nhiệm với cảnh quan thiên nhiên, môi trường và văn hóa của mỗi địa phương. Khi văn hóa làm du lịch được nâng cao, du khách họ sẽ có động lực để quay lại. Không những vậy, họ còn giới thiệu gia đình, bạn bè họ quay lại”.
Hiện nay chị Tẩn Thị Shu và các cộng sự đang tiếp tục sứ mệnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con dân tộc thiểu số để bữa ăn của bà con được đủ đầy hơn. Với mong muốn lan tỏa thông điệp du lịch trách nhiệm, chị cho biết: “Tôi muốn xây dựng những dự án để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh hoạt văn hóa của dân tộc Mông cũng như các dân tộc anh em khác nữa. Khát vọng thoát nghèo từ chính nội lực văn hóa, từ cảnh quan thiên nhiên của địa phương có lẽ không chỉ của riêng tôi mà của tất cả những người làm du lịch”.
Phương Anh – Phạm Văn