Động vật hoang dã đang dần cạn kiệt

Cập nhật: 11/08/2008
Trong báo cáo vừa công bố, Quỹ động vật hoang dã (WWF) và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) nhận định: Vốn là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đa dạng nhất Đông Nam Á nhưng một số loài ở Việt Nam rất có thể sẽ bị biến mất trước khi được giới khoa học biết đến.

Theo TRAFFIC - cơ quan phối hợp giữa WWF và IUCN, chuyên giám sát việc buôn lậu động thực vật hoang dã toàn cầu: Việt Nam lâu nay vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động buôn lậu động thực vật hoang dã ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam vừa là nguồn cung cấp vừa là nơi tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhờ có vị trí địa lý thuận lợi nên Việt Nam cũng là điểm trung chuyển của các đường buôn lậu đến các nước ở châu Á và ra thế giới.

 

Theo báo cáo mới nhất của TRAFFIC: Mặc dù Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế về việc chống nạn buôn bán thú rừng nhưng tình trạng buôn lậu hổ, khỉ, rắn, tê tê và các loài động vật khác ở Việt Nam vẫn đang tăng mạnh. TRAFFIC ước tính có tới 4.000 tấn động vật sống, thịt, da, xương và các sản phẩm khác đã được vận chuyển ra vào Việt Nam mỗi năm. Động vật chủ yếu được thu gom từ các vườn quốc gia Việt Nam và Lào, Campuchia, được đem tiêu thụ tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và Nhật Bản.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo này, tổng trị giá số động vật hoang dã thu được chỉ chiếm 3% số thực tế bị kinh doanh lậu và lực lượng chức năng ở tình thế bất lợi khi trung bình mỗi nhân viên kiểm lâm phải chịu trách nhiệm chăm sóc 1.400 ha rừng, với mức lương chỉ khoảng 50 USD/tháng.

 

TRAFFIC cho rằng có một khoảng cách rất lớn giữa chính sách và việc thực thi chính sách bảo vệ đời sống động vật hoang dã, đồng thời nêu rõ nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và ngành y dược truyền thống là những nguyên nhân chủ chốt khiến các loài động vật quý hiếm ngày một cạn kiệt ở Việt Nam.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường