Ngày 25/2, tại Hà Nội và Thanh Hóa đã diễn ra lễ trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), UBND huyện Ba Vì đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2018.
Trước đó, Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng theo Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/1/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra trong 3 ngày (23, 24, 25/2) với các hoạt động như: các trò chơi dân gian, giao lưu các môn thể thao, chợ quê ẩm thực, giao lưu văn nghệ của nhân dân địa phương, dâng hương...
Việc tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của người Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn.
Ảnh: baothanhhoa.vn
Cũng trong ngày, tại xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ trao bằng công nhận Lễ hội Trò Chiềng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Theo truyền thuyết, Trò Chiềng có từ thời nhà Lý, gắn với tên tuổi của Tam công Trịnh Quốc Bảo sinh vào khoảng năm 998. Ông làm quan văn võ song toàn Triều nhà Lý. Trong quá trình làm quan, ông đã lập được nhiều công trạng và có nhiều đóng góp to lớn, được vua Lý Thánh Tông phong là Phúc thần làng Trịnh Xá. Vua Lý Thái Tông tấn phong ông là Phong vinh Quốc trượng Đại phu. Năm 80 tuổi, ông về tĩnh quan tại địa phương, tức làng Trịnh Xá ngày nay. Để tái hiện lại những năm tháng trên quan trường, quá trình lao động, chiến đấu của triều đình và nhân dân ta thời Lý và cũng để cho con cháu sau này không quên cội nguồn, ông đã tạo dựng nên Trò Chiềng độc đáo và hấp dẫn. Lễ hội Trò Chiềng phản ánh sinh động, sâu sắc cuộc sống lao động, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vui chơi giải trí của nhân dân ta cũng như tưởng nhớ công lao của Tam công Trịnh Quốc Bảo.
Lễ hội Trò Chiềng thường được tổ chức vào khoảng ngày 10 đến 12 tháng Giêng hàng năm. Trò Chiềng là một trò diễn tổng hợp đồ sộ gồm 12 trò diễn, được bố cục thành một chương trình để trình diễn đan xen với phần lễ và phần hội, có trật tự logic, rõ ràng rành mạch, trong lễ hội có 4 phần rước.
Hà Anh (Tổng hợp)