Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trên cánh đồng rộng lớn thường bỏ hoang của đồng bào Mông và Dao thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Cạn) xuất hiện cánh đồng hoa rực rỡ, thu hút nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Cánh đồng hoa không chỉ tạo cảnh sắc nhộn nhịp ở một vùng quê vốn đìu hiu thưa vắng mà còn mang lại nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Cạn) thênh thang, thoáng rộng, xuyên qua những triền đồi, núi, người đi đường ngạc nhiên khi thấy cánh đồng hoa rực rỡ nằm ngay bên đường. Thảm hoa đủ sắc mầu như mời gọi khiến không ít người phải dừng xe xuống tận nơi chiêm ngưỡng.
Đồng Luông là thôn vùng cao của xã Quảng Chu, với toàn bộ số dân là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ canh tác chưa cao. Khi chưa có tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đi qua, thôn Đồng Luông nói riêng và các xã dọc tuyến nói chung nằm cách biệt với trung tâm huyện Chợ Mới. Trước đây, cánh đồng của đồng bào thôn Đồng Luông thường bỏ hoang vào vụ đông xuân, Công ty cổ phần Hà Linh (Thái Nguyên) đã thuê đất để trồng hoa tam giác mạch, hoa bướm, hoa violet, hoa cải..., xây dựng cơ sở vật chất để phát triển vùng du lịch sinh thái. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cánh đồng hoa nở rộ, rất đẹp mắt, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm... Tam giác mạch là loài hoa đặc hữu của miền đất Hà Giang nay nở rộ ở vùng đất này đã tạo nên sức hút đối với du khách.
Việc thuê đất để trồng hoa đã mở ra một hướng đi triển vọng, cho thu nhập khá cao, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương ngay trên đồng đất của mình. Bên cạnh đó, người dân còn tiếp nhận kỹ thuật trồng các loại hoa để những năm sau tự trồng, tổ chức đón khách du lịch tham quan. Những cánh đồng thiếu nước, bỏ hoang vào vụ đông xuân đã được chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng hoa phục vụ du lịch hiệu quả. Nhất là khi tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới được đưa vào sử dụng, việc đi lại được thuận lợi hơn, từ Thủ đô Hà Nội lên tới thôn Đồng Luông chỉ còn khoảng gần hai giờ đồng hồ, du khách từ Thái Nguyên lên cũng rất thuận lợi.
Huyện Ba Bể cũng vừa thí điểm mô hình trồng hoa cải kết hợp du lịch sinh thái ven sông Năng, gần hồ Ba Bể. Người dân trồng hoa cải chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, được hỗ trợ tiền thuê đất, công lao động và giống. Vườn cải mở cửa thu tiền vé tham quan, chụp ảnh cưới, cho thuê trang phục dân tộc... thu hút đông khách du lịch. Việc phát triển các mô hình trồng hoa gắn với du lịch sinh thái ở Bắc Cạn đã bước đầu có hiệu quả, đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi tư duy, thay đổi cách phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bài, ảnh: TUẤN SƠN