Năm 2017 riêng với TP.Hội An, những con số tăng trưởng phấn chấn lòng người. Tổng thu ngân sách xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, vượt dự toán hơn 20%. Trong số nguồn thu đạt và vượt cao có số thu từ bán vé tham quan. Đầu tháng 1.2018 có hàng triệu lượt khách nước ngoài đến với Việt Nam khiến bức tranh du lịch ngày thêm khởi sắc. Diện mạo du lịch - mũi nhọn kinh tế của thành phố tràn đầy sức xuân.
Từ những thành tựu của những năm qua, hơn bao giờ hết người Hội An nghĩ nhiều đến việc phát triển du lịch bền vững, vừa khai thác hợp lý tài nguyên du lịch nhân văn: khu phố cổ - di sản văn hóa thế giới; các giá trị văn hóa tinh thần: lệ tục, lễ tục, các làng nghề và các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, các thú chơi dân gian, trong đó có nghệ thuật bài chòi vừa được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể, vừa khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của một địa phương có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, những giá trị văn hóa cảnh quan của một thành phố từng là cảng thị châu Á được bảo tồn gần như nguyên trạng.
Ngoài việc phát huy các giá trị văn hóa nhân văn của thành phố di sản, việc phát triển du lịch môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên là hướng đi đúng, phù hợp với xu hướng du lịch hiện đại. Trong nhiều năm, Hội An đã phát triển du lịch biển đảo Cù Lao Chàm và năm 2017 đã phát triển du lịch khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh (chỉ riêng tháng 1.2018 đã đón hơn 43 nghìn lượt khách tham quan, doanh thu 1,3 tỷ đồng). Rõ ràng chỉ số thu nhập bình quân 40,97 triệu đồng/người trong năm 2017 đã nói lên mức thu nhập chung của cộng đồng, trong đó có thu nhập từ nguồn phát triển du lịch, sự hưởng lợi từ du lịch.
Tuy phát triển trong xu hướng có kiểm soát, có sự quan tâm sát hợp với thực tiễn của chính quyền và cộng đồng nhưng du lịch Hội An cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong nhiều năm tới.
Quan ngại đầu tiên là thách thức của biến đổi khí hậu và sự xâm hại thiên nhiên mà tác nhân là chính con người trong việc khai thác du lịch. Năm 2017, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra, nắng nóng khô hạn kéo dài, lũ lụt dồn dập vào cuối năm, sông Thu Bồn bị biến đổi dòng chảy, bãi bồi bị xâm thực, bờ biển tiếp tục sạt lở nặng, luồng lạch Cửa Đại bị bồi lấp khá trầm trọng… khiến cho các nhà khoa học quan ngại về sự xâm thực trong tương lai đối với một bãi biển từng được bình chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á. Việc đưa điện ra xã đảo đã góp phần phục vụ đời sống người dân, phát triển du lịch nhưng cũng song hành với nỗi lo việc xây dựng, phát triển vượt tầm quản lý, giám sát của chính quyền và cộng đồng, khiến Cù Lao Chàm sẽ là một Lý Sơn hay Sa Pa tương lai bởi sự phát triển thiếu quy hoạch, thiếu giám sát và quan ngại lớn nhất là các hoạt động du lịch ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Nỗi quan ngại thứ đến là việc biến đổi chủ sở hữu di tích nhà ở trong khu phố cổ do việc mua bán, chuyển nhượng sở hữu sẽ kéo theo việc ứng xử với di tích như một căn hộ bình thường hay chỉ thuần kinh doanh mà thiếu việc thực hành văn hóa truyền thống của cư dân gốc. Tất nhiên những chủ mới sẽ tuân thủ Luật Di sản hay các quy chế về bảo tồn nhưng việc bảo tồn nguyên trạng đời sống, sinh hoạt tinh thần của cư dân gốc vẫn là hướng khai thác tốt nhất của du lịch nhân văn bởi tính bền vững, hài hòa giữa con người và di tích. Việc phát triển du lịch vùng ngoại thị - nhất là việc xây dựng các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng cũng đang làm ảnh hưởng đến các di tích về mặt cảnh quan, nhiều di tích như mộ cổ, miếu, đình đang “bị nhốt” trong các công trình kiến trúc hiện đại như các mộ cổ ở Tân An, miếu thần nông ở Cẩm Phô, đình Thanh Hà…
Nỗi lo về sự quá tải đang diễn ra hàng ngày ở các điểm du lịch như khu phố cổ, Cù Lao Chàm, làng gốm Nam Diêu - Thanh Hà, khu sinh thái Cẩm Thanh… khiến cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường sá, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, thu gom rác thải… không tương thích. Hội An cần có các biện pháp “giảm tải” du lịch như quy hoạch bãi đỗ xe, lập lại trật tự vận chuyển khách, tăng cường thêm các công trình phục vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu phát triển và đặc biệt cần xây dựng lộ trình phát triển du lịch bền vững bằng cách có thêm nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan làng quê góp phần giảm tải du lịch cho khu phố cổ. Hội An đang hướng tới việc đa dạng các sản phẩm du lịch bằng tour, tuyến mới, các loại sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ bản địa với giá cả hợp lý, hấp dẫn…
Việc xây dựng một môi trường du lịch văn hóa, văn minh mà người phố Hội vốn có truyền thống “nhân tình thuần hậu” xem ra là “vấn đề của mọi vấn đề”. Làm thế nào thành tố “con người Hội An” với vẻ đẹp ứng xử Hội An, giá trị văn hóa Hội An trong nếp sống, lối sống - nguồn tài nguyên nhân văn của cha ông hun đúc nên, một nguồn vốn xã hội vô giá trong mũi nhọn kinh tế du lịch được phát huy hiệu quả, ích dụng trong du lịch, luôn là một vấn đề cần được chăm chút, nâng niu, tự vấn hàng ngày không chỉ riêng ai…
Phùng Tấn Đông