Nhằm ngăn chặn nạn chặt phá rừng và tìm nguồn tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường tại rừng rậm Amazon, ngày 1/8/2008, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã khai trương Quỹ quốc tế bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này.
Quỹ Amazon sẽ do Ngân hàng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Brazil (BNDES) quản lý và dự kiến trong vòng 13 năm tới, quỹ này sẽ thu hút khoảng 21 tỷ USD.
Bộ trưởng Môi trường Brazil Carlos Minc cho biết: Chính phủ Nauy đã cam kết viện trợ 100 triệu USD cho Quỹ Amazon, đồng thời nhấn mạnh nhiều quốc gia, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà tài trợ bày tỏ sẵn sàng ủng hộ sáng kiến này. Chính phủ Brazil hy vọng trong năm đầu, quỹ sẽ nhận được khoản tài trợ 1 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Minc, 20% nguồn vốn của Quỹ Amazon sẽ được sử dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái Brazil và các quốc gia nhiệt đới khác.
Tại nhiều diễn đàn quốc tế, Tổng thống Lula đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng Amazon, vẫn được coi là ''lá phổi của hành tinh'' đối với Brazil và cả loài người và chỉ trích các nước giàu không quan tâm đúng mức tới vấn đề môi trường.
Với diện tích 6,1 triệu km², trong đó 63% nằm trên lãnh thổ Brazil, rừng Amazon có vai trò quan trọng trong việc hấp thu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.