Đảo Bình Ba thuộc xã Bình Hưng, TP. Cam Ranh không chỉ là vựa nuôi tôm hùm lớn mà còn là điểm du lịch tuyệt đẹp, thu hút du khách. Tuy nhiên, nơi đây đang “biến thành” kho chứa rác. Hàng ngày, có hàng chục tấn rác do người nuôi tôm hùm lồng bè, cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn và khu dân cư xả thẳng ra biển làm ô nhiễm nghiêm trọng
Rác thải bao vây mặt biển, cầu cảng, bến tàu ở Bình Ba. Ảnh: Xuân Hướng
Từ sáng sớm, chúng tôi đi trên tàu cá qua các vùng ngư dân nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba, tận thấy vô vàn rác thải công nghiệp đủ loại: Bao sắc rắn, túi lưới thả nổi, chai lọ đựng thức ăn cho tôm trôi nổi bồng bềnh đầy mặt biển. Càng vào gần đảo Bình Ba, mật độ rác thải nổi càng dày.
Sau 45 phút trên tàu cá du lịch, chúng tôi cập cầu cảng du lịch đảo Bình Ba. Tại khu bãi biển ven bờ bến cảng chai lọ, vỏ lon nước, bọc nilon, rau, rác… dạt vào đặc kín. Nước biển dậy mùi hôi thối do một số rác thải khác đang phân hủy.
Chúng tôi men dọc theo bờ biển hàng cây số, chỗ nào cũng rác là rác. Một số vị trí gần nhà hàng ven biển, quán ăn nước thải xả ra biển đen ngòm, bốc lên mùi hôi tanh khó chịu. Nhiều khách sạn, quán ăn gom rác vào các bịch lớn “vô tư” đưa ra bãi biển xả bừa, cảnh tượng vô cùng ám ảnh.
Mặt biển đặc kín bịch nilon, chai nhựa như “lưới rác”. Ảnh: Xuân Hướng
Để có câu trả lời về tình trạng ô nhiễm trên đảo Bình Ba, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Võ Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, TP Cam Ranh. “Rác thải là vấn đề nan giải rất khó xử lý, hàng ngày người nuôi tôm hùm, cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng vẫn xả hàng chục tấn rác ra biển. Mặc dù chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến người dân trên đảo không xả rác bừa ra biển. Tuy nhiên, do ý thức người dân bảo vệ môi trường rất yếu kém, họ không thực hiện gom rác đúng nơi quy định làm mặt biển ngày càng ngập đầy rác” - ông Linh khẳng định.
Cũng theo ông Linh, hiện trên đảo Bình Ba có 800 hộ dân, trên 3.000 nhân khẩu, trong đó trên 70% hộ dân sống bằng nghề nuôi tôm hùm với khoảng 6.000 lồng bè nuôi tôm hùm. Hàng ngày, người nuôi tôm vẫn xả một lượng lớn túi lưới, bọc ni lông, lọ đựng thức ăn cho tôm ra biển. Đảo Bình Ba hiện có 42 cơ sở lưu trú, 29 nhà hàng nổi trên biển, mặc dù nhà hàng nổi đã bị tỉnh Khánh Hòa cấm hoạt động, nhưng nhiều cơ sở vẫn cố tình hoạt động chui. Vào mùa du lịch, mỗi ngày Bình Ba đón trên 1.000 khách du lịch đến đảo. Nhiều cơ sở kinh doanh, khách du lịch xả rác trực tiếp ra môi trường.
“Thấy rõ mức độ ảnh hưởng của rác đối với môi trường, chúng tôi đã cho thành lập đội xử lý rác thải trên đảo gồm 16 người, thay nhau đi vớt (mỗi ngày 2 người). Ngày nào cũng vớt được 2 xe tải rác đưa đi xử lý, thế nhưng không xuể, cứ vớt hết đợt này gió thổi lại đẩy rác từ ngoài khơi vào ùn ùn thành lớp… Mới trước Tết đây thôi, UBND xã huy động tất cả lực lượng thanh niên, phụ nữ, đội gom rác làm vệ sinh tất cả các bải biển không còn rác, nhưng chỉ sau 3 ngày Tết rác lại đầy đặc bến tàu, bãi tắm. Chúng tôi đến các cơ sở kinh doanh, khu dân cư, các bè nuôi tôm nhắc nhở không xả rác, một số cơ sở vẫn tái diễn thường xuyên thế nhưng chưa thể xử phạt vì chưa có chế tài” - ông Linh giãi bày.
Cầu cảng Bình Ba rác vớt lên đóng bao thành đống. Ảnh: Xuân Hướng
Chiều xuống dần, trời dịu, gió ngoài khơi thổi vào đảo Bình Ba mạnh dần, chúng tôi lên tàu trở lại đất liền. Từ phía đất liền nhiều ca nô vẫn chở đầy du khách đến Bình Ba ở lại qua đêm. Sóng từ ca nô cùng với gió biển ập vào làm rác từ biển cuốn đầy lên bờ cát. Mỗi đợt tàu cập bến nước biển tung bọt, dậy mùi hôi tanh khó chịu. Nhiều du khách chỉ biết ngao ngán lắc đầu và lấy khẩu trang bịt kín mặt.
Trong suốt một tiếng đồng hồ trên tàu trở về đất liền, tôi luôn đặt mình vào vị trí của du khách và đặt ra nhiều câu hỏi. Từ hiểm họa của rác thải, ô nhiễm mà không được ngăn chặn thì rồi một ngày kia Bình Ba sẽ ra sao? Ô nhiễm và bệnh tật có “bức tử” hòn đảo? Và du khách có còn dám đến Bình Ba nữa hay không?...
Được biết, trước tình trạng ô nhiễm rác thải, UBND xã Bình Hưng đã báo cáo đến UBND tỉnh, vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã cho xây dựng lò thiêu hủy rác trên đảo. Dự kiến, lò thiêu hủy này sẽ bàn giao cho UBND xã Bình Hưng trực tiếp quản lý, sử dụng vào tháng 3/2018. Hy vọng, lò xử lý rác sẽ giảm tải rác thải trên đảo tuy nhiên để giải quyết triệt để tình trạng này thì bản thân người dân trên đảo cần nâng cao ý thức cũng như những hành động cụ thể chung tay xây dựng môi trường trên đảo.
Theo thanhtra