Chúng tôi đến xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vào một ngày tháng Ba nắng cháy để trải nghiệm một loại hình du lịch độc đáo của người dân tộc thiểu số Cơ Tu - du lịch dựa vào cộng đồng.
Điệu múa tung tung za zá của người Cơ Tu – Ảnh: Thanh Hòa
Điểm dừng chân đầu tiên của tour du lịch 1 ngày này là thôn Parong của xã, với hoạt động du lịch đời sống, nơi du khách sẽ được tận mắt chứng kiến các hoạt động đời sống hàng ngày của người dân tộc Cơ Tu, như cách thức những người phụ nữ giã gạo, bổ củi và nấu nướng, những người đàn ông bắn cung nỏ, đặt bẫy thú rừng...
Thôn Parong và sáu thôn còn lại của xã Tà Bhing đều tham gia làm du lịch cộng đồng, mỗi thôn có một nhóm làm du lịch, phụ trách một hoạt động theo thế mạnh sẵn có của từng thôn, như nhóm đời sống, nhóm ẩm thực, nhóm dệt thổ cẩm và nhóm múa. Người Cơ Tu hàng ngày vẫn làm rẫy, trồng lúa, trồng đậu, đi rừng... chỉ ngày nào có khách tour đặt trước mới ở nhà đón khách.
Già làng Zuông Noonh, 70 tuổi, vừa thoăn thoắt đan những chiếc giỏ mây, gùi mây vừa hào hứng cho biết, thu nhập của ông từ bán các sản phẩm đan lát cho Hợp tác xã du lịch cũng được đến 2 triệu đồng/tháng và đây là mức thu nhập khá cao so với mức trung bình của đồng bào Cơ Tu ở Tà Bhing.
Già làng Zuông Noonh đan giỏ đựng chai nước làm quà lưu niệm cho du khách – Ảnh: Thanh Hòa
Nét đặc sắc của du lịch dựa vào cộng đồng ở Tà Bhing là cách điều phối và phân chia thu nhập công bằng cho cả 7 thôn tham gia làm du lịch. HTX Du lịch dựa vào Cộng đồng Cơ Tu – Nam Giang là đầu mối duy nhất nhận tour, nhận khách và phân bổ về các thôn, thôn này đón đoàn này thì thôn kia đón đoàn sau. Mỗi năm HTX đón trên dưới 40 đoàn khách, 80% là khách Nhật Bản.
Các tour du lịch Tà Bhing diễn ra trong 1 ngày và du khách bắt buộc phải theo một chương trình định sẵn từ đầu đến cuối, mục đích là để các thôn đều nhận được lợi ích từ việc phát triển du lịch. Các hoạt động tour thường là thăm thôn đời sống, thôn dệt thổ cẩm, thôn ẩm thực và thôn múa. Tiền tour thu được sẽ được HTX phân phối đều cho các thôn, đảm bảo sự công bằng, đoàn kết và không có cạnh tranh giữa các thôn với nhau.
Du khách đến Tà Bhing cũng được dặn dò chỉ mua đồ lưu niệm tại các cửa hàng của HTX, không mua thẳng của người dân, để đảm bảo tập trung được nguồn thu và phân phối lại nguồn thu công bằng giữa các thôn.
Dệt cườm của dân tộc Cơ Tu – Ảnh: Thanh Hòa
Rời thôn đời sống, chúng tôi sang thăm làng dệt thổ cẩm Zơ Ra, là điểm dừng thứ hai của tour du lịch.
Làng dệt thổ cẩm Zơ Ra chính là khởi điểm của Dự án du lịch dựa vào cộng đồng hiện nay. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2008 khi hợp phần tăng thu nhập của Dự án phát triển cộng đồng tại huyện Nam Giang do tổ chức phi chính phủ Cứu trợ Nhật Bản (FIDR) tiến hành từ năm 2001, được phát triển thành một dự án riêng nhằm củng cố và khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Nghệ dệt cườm của người Cơ Tu rất độc đáo. Ở Việt Nam chỉ có hai dân tộc dệt cườm là Cơ Tu và Tà Ôi (ở huyện Á Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Vào năm 2008, nghề dệt cườm ở Nam Giang đã bị mai một, chỉ còn người già làm nghề này, vì sản phẩm không có đầu ra. Tuy vậy, nhận thấy tiềm năng phát triển thị trường của sản phẩm đặc sắc này, bà con Cơ Tu và Uỷ ban Nhân dân huyện Nam Giang đã kiến nghị FIDR giúp phục hồi lại nghề dệt và dự án này đã được triển khai trong thời gian 2008-2012.
Dệt cườm của dân tộc Cơ Tu – Ảnh: Thu Hằng
Lúc đầu chỉ có tám thợ dệt cườm nhưng giờ đã có 40 thợ dệt. Sản phẩm trước kia chỉ có vải thì nay đã có gần 40 mẫu mã các loại và được bán ở Hà Nội, Sảnh quốc tế Sân bay Nội Bài và một số khách sạn 5 sao ở Hội An.
Năm 2011, HTX Dệt thổ cẩm Zơ Ra chính thức ra đời, trở thành HTX dân tộc thiểu số đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam, đón nhận được sự quan tâm rất lớn của UBND huyện và trở thành điểm thu hút du khách quốc tế tới tham quan.
Tận dụng thành quả này, bà con nhân dân và UBND huyện Nam Giang muốn phát triển du lịch, gìn giữ nghề dệt truyền thống và nhân rộng hiệu quả đến các thôn làng khác để phát triển kinh tế toàn xã.
Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu sau đó được triển khai ở 7/7 thôn của xã, tạo thành HTX Du lịch dựa vào Cộng đồng Cơ Tu – Nam Giang với 265 thành viên, do bà con tự bầu chọn Giám đốc HTX, là người dân tộc Cơ Tu.
Giám đốc HTX, anh Briu Thương chính là người điều phối tour, phân chia lợi ích công bằng trong cộng đồng, sao cho không có mâu thuẫn lợi ích giữa các thôn làm du lịch.
Bánh sừng trâu, món ăn truyền thống của người Cơ Tu – Ảnh: Thu Hằng
Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu được FIDR tiến hành kết thúc năm 2016 lại được tiếp nối bằng Dự án phát triển tiềm lực nông thôn, kéo dài từ 2016-2020, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Dự án hỗ trợ phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số huyện Nam Giang là Dự án hợp tác kĩ thuật cấp cơ sở của JICA, tập trung phát triển du lịch, phát huy tính chủ động của người dân địa phương.
Phương thức du lịch dựa vào cộng đồng cho phép phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh văn hóa bản địa, lịch sử, tập quán sinh hoạt của địa phương, đồng thời góp phần cải thiện thu nhập, ổn định đời sống của người dân, từ đó đảm bảo sự phát triển chủ động và tính bền vững của ngành du lịch địa phương.
Hơn nữa, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng cũng là một cơ hội để người dân địa phương nhìn lại và hiểu sâu sắc về những giá trị truyền thống đặc sắc của chính cộng đồng địa phương nơi mình sinh sống, từ đó người dân địa phương sẽ truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu và sự tôn trọng.
Già Cha Hiép Abhrong giới thiệu với du khách cách đặt bẫy thú rừng – Ảnh: Thanh Hòa
Dự án cũng áp dụng phương pháp “săn tìm kho báu” – “takaramono sagashi” của Nhật Bản trong việc tìm kiếm, khai thác và thương mại hóa các sản phẩm du lịch có giá trị của địa phương. Một số món ăn truyền thống của người Cơ Tu vốn đã bị mai một thì nay được khôi phục lại để nấu phục vụ du khách tại thôn ẩm thực, cũng là một điểm dừng chân trong tour du lịch 1 ngày. Các món ăn dân dã này được du khách Nhật Bản đón nhận rất nồng nhiệt.
Nghề dệt thổ cẩm cườm của dân tộc Cơ Tu đã được khôi phục, mang lại thu nhập mỗi năm 150 triệu đồng cho HTX dệt Zơ Ra, và bắt đầu được biết tới trên thị trường.
Điệu múa truyền thống tung tung za zá, thường được múa trong những ngày hội như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, đám cưới… giờ được biểu diễn cho du khách tại thôn múa -là điểm dừng cuối cùng trong tour du lịch- giúp du khách hiểu biết thêm về văn hóa Cơ Tu.
Giã gạo – Ảnh: Thu Hằng
Dự án sau tiếp nối thành quả của dự án trước. Hiện, Dự án phát triển tiềm lực nông thôn này không chỉ còn khu trú trong một xã mà bao trùm cả 12 xã/thị trấn trong toàn huyện Nam Giang.
A Briu Thương, Giám đốc HTX cho biết: “Kinh tế của bà con khá lên từ khi có dự án du lịch, thu nhập được cải thiện, đời sống tinh thần cũng được cải thiện hơn nhờ các hoạt động múa hát vừa để phục vụ các lễ hội vừa để phục vụ du khách. Ở các trường học, các cháu cũng được dạy lại múa điệu tung tung za zá này.”
Về ý tưởng điều phối chung thông qua HTX, anh Thương cho biết, như tên gọi “du lịch dựa vào cộng đồng”, ý tưởng xuất phát từ chính bà con, muốn dựa vào sự chủ động của cộng đồng. Nếu chỉ có một thôn được hưởng lợi thì về lâu dài sẽ mất đi sự đoàn kết, bởi vậy bà con muốn được luân phiên đón khách.
"Trước khi triển khai hoạt động dự án, chúng tôi đã tổ chức họp ở các thôn và bà con đã đưa ra sáng kiến để các thôn được luân phiên nhau đón khách, tránh sự cạnh tranh và mất đoàn kết", anh Thương nói.
Anh Briu Thương, Giám đốc HTX Du lịch dựa vào cộng đồng – Ảnh: Thu Hằng
Anh Thương cho biết, doanh thu từ phí tour của HTX là 600 triệu đồng/năm và từ bán sản phẩm là khoảng 950 triệu đồng. HTX đang vận hành rất tốt và bà con rất phấn khởi với nguồn thu nhập thêm không nhỏ từ du lịch.