Nhiều năm qua, trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch ven biển đã được phê duyệt, đến nay, tại Đà Nẵng, đã có nhiều dự án đầu tư được đầu tư xây dựng với mức độ quy mô dẫn đầu cả nước. Song, do việc bố trí hạn chế, thiếu đồng bộ, không đảm bảo các quy định về môi trường, dẫn đến những hệ quả cần cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường biển trong hiện tại, tương lai...
Cưỡng chế hành chính về bảo vệ môi
trường đối với 5 doanh nghiệp
UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết
định cưỡng chế hành chính về bảo vệ môi trường đối với 5 doanh nghiệp tại
Khu Công nghiệp thuỷ sản Thọ Quang - Q. Sơn Trà là Công ty cổ phần Thuỷ sản
và Thương mại Thuận Phước, Công ty TNHH Bắc Đẩu, Công ty cổ phần Procimex,
Công ty TNHH Chế biến thực phẩm D&N và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu
thuỷ sản Miền Trung - Công ty Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Thọ
Quang.
Trong đó, Công ty cổ phần
Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước, TP thực hiện khấu trừ 32 triệu đồng trong
tài khoản tại Ngân hàng của Công ty, đình chỉ hoạt động sản xuất
đồng thời yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do công ty gây
ra. Đối với Công ty cổ phần Procimex cũng thực hiện khấu trừ 32 triệu đồng
trong tài khoản của Công ty tại Ngân hàng. Còn lại 3 công ty TNHH Bắc Đẩu, Cty
TNHH Chế biến thực phẩm D&N và Cty cổ phần XNK thuỷ sản Miền Trung -
Cty Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Thọ Quang, buộc cưỡng chế cấm hoạt động
sản xuất có nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường và bắt buộc sử dụng các
biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các công ty này gây
ra.
Vào tháng 4.2008, Sở Tài nguyên
- Môi trường TP cũng đã kiểm tra 9 cơ sở hoạt động tại KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ
Quang, và đã đề nghị UBND TP phạt, tước giấy phép vô thời hạn và đình chỉ hoạt
động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường và khắc phục vi
phạm đối với 6 cơ sở vì không thực hiện đúng quy định xử lý nước thải nên nước
thải sau xử lý vượt quá giới hạn cho phép lên đến 39 lần...
Những cảnh báo từ hoạt
động thủy sản
Theo Ban Giám đốc Sở Tài nguyên
- Môi trường, từ năm 2004, khi thành phố hoàn tất những tài liệu báo cáo hiện
trạng về quản lý tổng hợp vùng bờ, đã có những cảnh báo được đưa ra về tiến độ
xử lý, phát triển nguồn lợi thủy sản trong vùng biển địa phương làm ảnh hưởng
đến môi trường sống. Tuy nhiên đến nay, mức cảnh báo này đã nâng lên mà các cơ
quan chức năng cũng như người dân vẫn chưa có sự chuyển động tích cực. Hiểm họa
cạn kiệt tài nguyên thủy sản và biến đổi môi trường nước biển ở Đà Nẵng vì thế
đang tiếp tục diễn ra.
Hiện tượng ô nhiễm vùng
biển Đà Nẵng đang gây ảnh hưởng với 2 chiều hướng.
Thứ nhất là tình trạng ô nhiễm xăng dầu, hóa chất và kim
loại nặng trong nước thải ra biển. Cụ thể, số lượng cống thoát nước ra biển
không qua xử lý vẫn còn nhiều, nhất là đều liên quan đến những khu vực sản xuất
công nghiệp như: phía bờ đông Sơn Trà, phía bắc vịnh Đà Nẵng. Mặc dù nguy cơ ô
nhiễm biển do những sự cố ấy vẫn có thể kiểm soát được, song các cơ sở sản xuất,
sinh hoạt trong dân thải ra các loại nước nhiễm dầu mỡ, xăng dầu vẫn ít được
quan tâm..
Thứ hai, hiện tượng thải ra quá
nhiều chất hữu cơ trong nước cũng sẽ dẫn đến mức độ tăng nhanh chóng của các
loại tảo biển độc và sinh vật phù du.
Để giải quyết tình trạng trên,
thành phố cần xử lý nghiêm các luồng nước thải ra biển, hạn chế tối đa nạn ô
nhiễm dầu và chất hữu cơ trong nước thải hằng ngày. Đồng thời, việc cân đối lại
tình hình phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ cũng phải xúc tiến với sự
phối hợp tốt hơn từ nhiều cấp ngành và nhất là trong nhân dân.
Bên cạnh đó, một thực trạng
đáng báo động hiện nay là sau nhiều sự cố thiên tai và hiệu quả khai thác đánh
bắt xa bờ không cao, nhiều ngư dân Đà Nẵng đang có xu hướng quay lại đánh bắt
gần bờ. Mật độ tàu có công suất đến 22CV hoạt động trên vùng biển thời gian gần
đây đã tăng lên. Phần lớn hoạt động khai thác ở những tàu này là giã, cào... với
mức khai thác thủy sản mặt nước rất lớn. Trong khi đó, do Đà Nẵng lâu nay chủ
trương hạn chế dự án nuôi trồng thủy hải sản ven bờ, nên mức độ đầu tư, xem xét
phát triển các nguồn cá tôm nuôi cũng giảm bớt. Những chương trình kiểm soát môi
sinh biển lại chưa được xúc tiến tốt cũng như các cơ quan quan trắc, kiểm nghiệm
lại còn hạn chế về năng lực. Tất cả đang làm mất cân bằng sinh thái cục bộ ở
vùng biển Đà Nẵng và thiếu sự bổ sung lượng thủy hải sản khác từ môi trường tự
nhiên.
Hậu quả là các loại sinh vật
phù du và tảo độc trên biển càng có điều kiện phát triển, kết hợp với các ảnh
hưởng môi sinh từ ô nhiễm nguồn nước, dễ gây ra những hiện tượng môi trường biển
bất thường. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nếu không kiểm soát tốt tình
hình này, dự báo một tương lai không xa, vùng biển Đà Nẵng sẽ xuất hiện nạn
“thủy triều đỏ”, với mật độ lây lan phát triển sinh vật biển độc hại lớn, tiêu
diệt các nguồn sinh vật biển khác và ô nhiễm bờ biển dài lâu. Khi ấy, sẽ phải
mất từ 10-20 năm, cùng rất nhiều tiền và những tổn thất kinh tế xã hội khác mới
mong xử lý được.
Điều chỉnh với tầm nhìn
xa ngay từ bây giờ
Biển Đà Nẵng đang báo động về
sự ô nhiễm môi trường và vấn đề quy hoạch, xây dựng tùy tiện các nhà hàng, khách
sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ dọc tuyến biển, không đảm bảo các quy định về môi
trường còn là lời cảnh báo nhiều nguy cơ lâu dài về ô nhiễm môi trường biển
trong tương lai. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi
trường nói chung và biển nói riêng là tầm nhìn của các dự án, công tác quy hoạch
phát triển đô thị TP bị hạn chế, thiếu đồng bộ.
Do đó, để bảo vệ biển, ngay từ
bây giờ, Đà Nẵng cần có sự đánh giá, khắc phục điều chỉnh với tầm nhìn xa, với
những hoạch định dài cho hàng trăm năm sau, thay vì chỉ gói gọn trong những kế
hoạch 5 năm, 10 năm, và hơn hết. Đồng thời, trước mắt, việc bảo vệ môi trường
phải được đặt lên hàng đầu, là điều kiện bắt buộc đối với các dự án, chiến lược
quy hoạch và phát triển đô thị...