Những ngày này, khi đến thăm quan Đền Trần, tỉnh Nam Định, du khách sẽ có chung cảm nhận là môi trường đã sạch, đẹp hơn. Để có điều này là nhờ những tình nguyện viên tự nguyện địa phương đứng ra nhặt rác, quét dọn, vệ sinh môi trường.
Những con người tình nguyện thu gom rác, vệ sinh môi trường Đền Trần
Mặc dù lễ hội chính diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 Âm lịch với Lễ khai ấn đã qua. Tuy vậy, không vì thế mà Đền Trần vắng khách thập phương đến thăm quan, dâng hương tại đây.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trong ngày 10/3/2018, hai bên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định một đoạn dài gần 2km có rất nhiều ô tô, xe khách, xe du lịch lớn nhỏ nối đuôi xếp thành hàng dài chở du khách từ khắp nơi đến làm lễ dâng hương lên các đức vua nhà Trần.
Tuy lượng du khách đến với Đền Trần đông như vậy, nhưng thấy rất rõ là công tác vệ sinh môi trường trước cửa, trong sân và nơi thờ tự luôn được duy trì và đảm bảo sạch sẽ.
Chia sẻ về công việc thường ngày của mình bà Bà Trần Thị Vui – Tổ 25 phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định cho biết, Từ thực tế nhiều năm trước chỉ có xí nghiệp môi trường thành phố Nam Định phụ trách công tác thu gom, vận chuyển rác thải là không xuể, cũng vì thế mà tại nhiều nơi, nhiều thời điểm xuất hiện tượng rác thải dồn ứ, chất đống gây ô nhiễm môi trường và làm ô uế cửa Đền.
Do đó, từ năm 2010 đến nay, một đội vệ sinh gồm 10 người hầu hết là người dân trên địa bàn phường Lộc Vượng một mặt phối hợp với xí nghiệp môi trường thành phố, mặt khác trực tiếp phụ trách công tác nhặt rác, thu gom, quét dọn toàn bộ tuyến đường Trần Thừa trước cửa Đền Trần, cũng như toàn bộ khuôn viên Đền.
Đội vệ sinh môi trường không chuyền này luôn cần mẫn thực công việc để môi trường Đền Trần luôn được sạch sẽ
Trong 1 tháng tổ chức lễ hội, mỗi người đều có trách nhiệm là dậy từ 4 giờ 30 sáng đến Đền Trần để vệ sinh môi trường từ sớm, nhằm mục địch đảm bảo khi du khách đến lễ Đền Trần đều có thể cảm nhận được bầu không khí thoáng đáng, sạch sẽ, môi trường trong lành, dễ chịu giữa chốn tôn nghiêm. Công việc này chỉ kết thúc khi Đền Trần không còn người đến lễ.
Cụ thể, 10 người được chia làm 2 nhóm, trong đó nhóm 1 gồm 6 người được phân chia theo khu vực thuộc tuyến đường Trần Thừa làm công tác nhặt rác, túi ni lông, bánh kẹo, chai nước... Nhóm 2 gồm 4 người thực hiện luôn phiên nhau túc trực để quyét sân, nhặt rác bên trong Đền Trần. Đối với các loại hoa lễ trong Đền như cúc, ly sau khi dâng lên các đức vua được cho vào sọt và mang ra xe gom rác...
Thực hiện nhiệm vụ này không khác gì một công nhân vệ sinh môi trường. Song không một ai nhận lương, hay ngày công lao động nào trong dòng rã suốt 1 tháng trời diền ra lễ hội. Khách thập phương thấy được hành động tự nguyện trên đã quan tâm hỏi han, thậm chí là cho tiền, nhưng chúng tôi không nhận dù chỉ một đồng. Tất cả đều làm với chỉ một mục đích là tự nguyện.
Cũng theo bà Vui cho biết, Trước khi mùa lễ hội bắt đầu Ban quản lý di tích Đền Trần đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức vệ sinh môi trường khu di tích; đường phố – ngõ ngách trong khu dân cư và dọc các tuyến đường vào khu di tích. Tổ chức lắp đặt hơn 100 thùng rác di động trong thời gian diễn ra lễ hội. Thường xuyên tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường trên hệ thống loa truyền thanh. Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường, các chế tài xử phạt tại khu di tích. Vận động nhân dân và du khách tham quan nêu cao ý thức trách nhiệm để rác đúng nơi quy định, không hái hoa bẻ cành, đốt hương, vàng mã...
Các xe thu gom, thùng rác được đặt ở vị trí thuận tiện để người dân có thể bỏ rác dễ dàng
Ông Trần Minh Phương - phường Lộc Vượng cho biết, Có thể nói đến nay, việc bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán vẫn còn tồn tại, điều này vô tình đã tạo điều kiện cho những người dân thiếu ý thức về vệ sinh môi trường, đặc biệt là sau khi ăn xong thì xả rác xuống ngay bên cạnh, thậm chí có nhiều thanh niên vừa ngồi ăn và vừa vô tư vứt vỏ bánh xuống vỉa hè... gây ra những hình ảnh không mấy đẹp mắt và phản cảm. “Ít ai có thể hình dung được nếu một ngày thiếu vắng đội vệ sinh 10 người ở đây thì cảnh quan môi trường Đền Trần sẽ ra sao” – ông Phương nói.
Qua đây phần nào cho thấy công việc thầm lặng, nhưng vô cùng ý nghĩa của đội vệ sinh tự nguyện thuộc phường Lộc Vượng. Việc làm nói trên cũng đã góp một phần để giữ gìn và đảm bảo môi trường khu vực luôn được sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến lễ Đền Trần.
Huy An