Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã bàn giao và khánh thành các ngôi nhà an toàn có tính năng chống chịu bão lũ cho các hộ dân dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu tại tỉnh Quảng Ngãi. Tổng số có 37 ngôi nhà đã được xây dựng cho các hộ gia đình nghèo tại 5 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian vừa qua. Số còn lại sẽ được xây dựng trong năm 2018.
“Đây là nỗ lực lớn của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Tổng cục phòng chống thiên tai nhằm hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu. Hoạt động của Dự án trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018 góp phần giúp bà con vùng dự án đón năm mới vui vẻ và đảm bảo nhà an toàn trước thiên tai”, Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết.
Trong những năm gần đây, đã và đang xảy ra nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan khó lường ở Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 16 cơn bão, trong đó có 5 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh ven biển, nghiêm trọng nhất là bão Doksuri và Damrey (còn gọi là bão số 10 và 12). Nhiều đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất làm hơn 386 người chết và mất tích. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị phá hủy và hàng chục ngôi làng bị cô lập bởi bão lũ.
Nhà an toàn là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu các thiệt hại về tài sản và con người cho người dân các tỉnh ven biển. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 48 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung. Dựa trên những thành công của nghị định này, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Xây dựng triển khai thực hiện hỗ trợ xây 4000 căn nhà an toàn tại 5 tỉnh ven biển Việt Nam (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Thanh Hóa) trong khoảng thời gian 4 năm.
Hỗ trợ về nhà ở này sẽ mang lại lợi ích cho các hộ gia đình “cận nghèo” và nghèo theo tiêu chí của chính phủ, và ưu tiên các hộ gia đình dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn (có chủ hộ là người cao tuổi, hộ độc thân, gia đình có người khuyết tật…), hộ ở địa phương đặc biệt khó khăn, các hộ gia đình ở các huyện nghèo nhất thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo của chính phủ và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
Đến dự buổi bàn giao và khánh thành này, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở xây dựng , Ủy ban Nhân dân xã và các hộ gia đình tham gia Dự án.
“Nhà ở là tài sản lớn duy nhất mà các cá nhân và gia đình sở hữu, do vậy việc xây dựng những căn nhà kiên cố là điều rất cần thiết để tăng khả năng thích ứng của các hộ gia đình ở các vùng ven biển của Việt Nam,” bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia UNDP nói. Bà cũng nhấn mạnh thêm rằng “UNDP đã và đang hỗ trợ xây dựng và sửa lại nhà cửa cho các gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, phụ nữ làm chủ hộ và người cao tuổi. Chúng tôi cũng đã hợp tác với Hội Chữ Thập Đỏ và Hội Phụ Nữ để xây dựng lại và sửa chữa hơn 5.300 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi cơn bão Damrey.”
Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có sự hỗ trợ của Quỹ Khí hậu xanh. Mục tiêu của dự án này là tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển trước các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam, thông qua: nhà ở an toàn cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lụt ngày càng gia tăng; tăng mạnh tỉ lệ che phủ rừng ngập mặn cung cấp vùngđệm tự nhiên giữa biển và các cộng đồng ven biển; cung cấp thông tin rủi ro khí hậu đáng tin cậy giúp hướng dẫn lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu có sự tham gia. Dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm (2017-2022) với ngân sách viện trợ không hoàn lại là 29,5 triệu USD.