Phát triển du lịch sinh thái

Cập nhật: 21/03/2018
Du lịch (DL) sinh thái đang phát triển và ngày càng chiếm ưu thế trong các ngành dịch vụ DL. Khi cuộc sống tất bật giữa bộn bề công việc, thì được trở về và hòa mình vào thiên nhiên là ước muốn của nhiều người. Chính vì thế, loại hình DL sinh thái đang được quan tâm phát triển và được đông đảo du khách đón nhận.

Điểm DL sinh thái Lòng hồ Tân Trung - Vàm Nao (xã Tân Trung, Phú Tân), từ lâu được nhiều người biết đến, bởi mang đậm “nét quê” của vùng sông nước với các sản phẩm ẩm thực vùng ĐBSCL và các loại hoa màu, cây trái. Chính vì thế mà nơi đây thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, chèo xuồng hái ấu, hái bông điên điển, bắt ốc... nhất là được thưởng thức các món ẩm thực đồng quê, du thuyền trên sông xem ngư dân thả lưới bắt cá bông lau...

Ngược lên biên giới có điểm DL sinh thái hấp dẫn, độc đáo của tỉnh, đặc trưng khi mùa nước nổi. Với diện tích 845ha, rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo (Tịnh Biên) là ngôi nhà chung của 140 loài thực vật, 11 loài thú, 23 loài cá và 70 loài chim, trong đó rất nhiều loài quý hiếm đã được đưa vào danh sách cần bảo tồn. Hấp dẫn nhất chính là du khách sẽ có dịp ngồi trên xuồng len lỏi vào sâu trong rừng tràm, nhất là vào mùa nước nổi, cảnh vật nơi này đẹp đến nao lòng! Mái dầm nhẹ đưa xuồng trôi êm trên thảm xanh mướt của bèo hoa dâu, bèo cám; bên trên khoảng không là thảm rừng tràm bạt ngàn, tiếng chim ríu rít gọi nhau hòa quyện với tiếng gió rì rào… như đưa ta trở về với thiên nhiên hoang dã. Chính sự đa dạng, phong phú về tài nguyên và hệ sinh thái đa dạng khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu, những người đam mê khám phá thiên nhiên.  

Đó là 2 trong rất nhiều điểm DL sinh thái của tỉnh đang thu hút đông đảo du khách. Là vùng đất có nhiều tiềm năng DL, An Giang được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều cảnh quan tuyệt đẹp cùng nhiều di tích nổi tiếng, như: núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), đồi Tức Dụp (Tri Tôn), Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (TP. Long Xuyên), Khu di chỉ văn hoá Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn)… Nhiều năm qua, An Giang thu hút mỗi năm trên 5 triệu lượt du khách tới tham quan. Riêng năm 2017, tỉnh đón hơn 7,3 triệu lượt khách, tăng 12% so năm 2016, đạt 107% kế hoạch. Trong đó, số lượng khách thống kê tại các cơ sở kinh doanh DL trên 600.000 lượt, khách quốc tế 75.000 lượt; doanh thu từ hoạt động DL là 3.700 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Xác định DL là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh, An Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế DL của địa phương. Cùng với đầu tư hạ tầng DL, An Giang đang tập trung quy hoạch tổng thể DL, tập huấn hướng dẫn người dân cùng làm DL, đồng thời mở rộng kết nối DL với các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước… Đặc biệt, cùng với khai thác thế mạnh DL tâm linh, An Giang chú trọng khai thác DL làng nghề truyền thống, DL sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm phù hợp cho du khách nội địa và quốc tế…  

Tiêu biểu như ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) có hơn 10 vườn sinh thái phục vụ du khách tham quan, thưởng thức trái cây và các món ăn dân dã của vùng sông nước. Những cái tên như: “Vườn táo hồng”, “Vườn nhãn”, “Vườn sơ-ri”… đã trở nên quen thuộc đối với du khách đến với quê hương Bác Tôn, nhất là các bạn trẻ. Nằm giữa sông Hậu hiền hòa, khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ nên xã Mỹ Hòa Hưng rất phù hợp trồng các loại cây ăn trái và phát triển DL sinh thái, DL homestay… Ở xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên) thu hút du khách gần xa với gần chục vườn dâu trĩu quả. Thăm vườn dâu Hai Thuận vào dịp cuối tuần, khá đông người đến tham quan, thưởng thức loại trái mới lạ này. Bạn Thùy Dương (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) cho biết: “Em đến đây được vài lần rồi. Đường tuy xa khoảng 30 phút đi xe nhưng đến nơi rất là thích. Được trở về với ruộng vườn, cả một màu xanh mát mở ra trước mắt, xanh tươi mơn mởn! Không ngờ loại dâu tằm này có thể phát triển tốt ở đây, cây nào cũng tốt tươi và có nhiều trái”. Thú vị nhất là ở đây có bán cả siro dâu tằm, mứt dâu, rượu dâu và các loại nước uống, quà lưu niệm với giá bình dân. Đặc biệt, có nhiều chòi nhỏ để khách ngồi nghỉ ngơi, thưởng thức các sản phẩm từ dâu tằm và các món ẩm thực đồng quê như: cá lóc nướng trui, bánh xèo, bánh khọt… rất thú vị và hấp dẫn.

Cùng với đa dạng hóa các sản phẩm DL gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư, An Giang đã và đang phát triển loại hình DL gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê, như: tour DL trên sông Hậu tham quan làng bè (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc); tour DL trên sông Tiền tham quan Cù lao Giêng, làng nghề dệt lụa Tân Châu; tour tham quan rừng tràm Trà Sư, vùng Thất Sơn hùng vĩ, vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc); tour DL homestay tại Cù lao Ông Hổ, Cù lao Giêng; tour tham quan búng Bình Thiên, giồng cây Da; tham quan các chợ biên giới cửa khẩu… để đáp ứng nhu cầu DL sinh thái của du khách.

Hữu Huynh

Nguồn: baoangiang.com.vn