Nằm ở phía Đông Nam Đà Lạt, huyện Đơn Dương với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn mang đậm bản sắc văn hóa bản địa gắn với đồng bào dân tộc Churu đang và sẽ bổ sung những trải nghiệm mới cho du khách khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng.
Trải nghiệm mới với sản phẩm du lịch Đơn Dương
Dựa trên lợi thế sẵn có về tài nguyên du lịch, các điều kiện cơ sở hạ tầng cũng như chính sách phát triển du lịch địa phương, Đơn Dương cần định hướng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Những sản phẩm này vừa phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch Tây Nguyên, vừa mang nét riêng của một huyện phụ cận Đà Lạt.
Du lịch cộng đồng gắn với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Churu sẽ tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm cuộc sống hàng ngày ở những thôn bản còn lưu giữ nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống. Du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng và cùng tham gia vào quá trình tạo tác những sản phẩm thủ công truyền thống như gốm, nhẫn bạc, đan lát ở xã Lạc Xuân, Tu Tra, Próh; được hòa mình vào bầu không khí và thưởng thức những âm thanh, giai điệu của văn hóa cồng chiêng Churu; cùng người dân bản địa chế biến và thưởng thức ẩm thực độc đáo.
Du lịch farmstay gắn với những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của cư dân địa phương sẽ đưa du khách tham quan và trải nghiệm tour “một ngày làm nông dân” ở những nông trại trồng rau xanh, cà chua, dứa Cayenne hay trang trại bò sữa thân thiện với môi trường. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa thâm canh, trải nghiệm quá trình canh tác, lao động của bà con nông dân.
Du lịch tham quan, ngắm cảnh đưa du khách đến với thác nước Cha Tây nằm giữa cánh rừng nguyên sơ hay chiêm ngưỡng sự hùng vỹ của thác Thiên Thai nước tung trắng xóa; đi dạo dưới rừng thông xanh và tổ chức cắm trại ở đồi thông Châu Sơn; tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Churu như nhà thờ Ka Đơn, nhà cổ Churu.
Du lịch chụp ảnh ở Đơn Dương hiện đang bắt đầu thu hút du khách với nhiều phong cảnh đẹp, nhiều loài hoa tự nhiên theo mùa và nét giản dị trong đời sống thường ngày của người dân bản địa.
Du lịch phượt qua những con đèo đến Đơn Dương đã được nhiều nhóm du khách nội địa trẻ tuổi tổ chức thành công vài năm trở lại đây, nhất là từ tháng 10 hàng năm - khi mùa hoa dã quỳ nở rực khắp các triền đồi.
Hướng đi cho Du lịch Đơn Dương
Về công tác quản lý du lịch, cần thành lập Ban Quản lý du lịch địa phương với sự kết hợp giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân địa phương nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu phát triển du lịch của huyện dựa trên Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; từng bước xây dựng hình ảnh Đơn Dương trong tâm trí du khách và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch nhằm hướng đến mục tiêu bền vững.
Về sản phẩm du lịch, để tạo sự khác biệt so với những khu vực khác ở Đà Lạt - Lâm Đồng và đem đến trải nghiệm mới lạ cho du khách, Đơn Dương cần xác định sản phẩm du lịch đặc thù gắn với giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Churu, truyền thống canh nông và thế mạnh về cảnh quan thiênnhiên hoang sơ, thuần khiết, lấy đó làm tâm điểm cho việc thiết kế các sản phẩm du lịch tổng hợp khác, kết hợp với các sản phẩm du lịch bổ trợ để đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương.
Về thu hút thị trường, với thế mạnh đặc trưng về tài nguyên du lịch, thị trường đích của Đơn Dương là những thị trường ngách có mong muốn và động cơ du lịch rõ ràng, có khả năng chi trả, nên được chia thành hai nhóm chính để đưa ra cách tiếp cận và xúc tiến thông tin hiệu quả: nhóm nghiên cứu, tìm hiểu và nhóm khám phá, trải nghiệm về thiên nhiên, văn hóa. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến thị trường khách đại trà vì họ cũng mong muốn trải nghiệm những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới lạ của Đơn Dương.
Về đào tạo nguồn nhân lực du lịch, cần có sự hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực du lịch của địa phương, đặc biệt là đội ngũ quản lý. Tăng cường khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương vào hoạt động du lịch ở các mức độ khác nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức của người dân trong quá trình tham gia vào hoạt động du lịch.
Về xúc tiến quảng bá du lịch và kết nối với các doanh nghiệp du lịch, xét theo chu kỳ sống của điểm đến du lịch (Tourist Area Life Cycle) thì Đơn Dương đang nằm trong giai đoạn Thâm nhập (Involvement) với lượng khách bắt đầu gia tăng và cư dân địa phương chỉ mới cung ứng sơ khai các dịch vụ du lịch, cho nên công tác tuyên truyền quảng bá du lịch địa phương là hết sức cần thiết nhưng cần phải có phương thức phù hợp đối với giai đoạn này. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cần nhắm tới thị trường đích, giới thiệu các sản phẩm du lịch, tiềm năng, giá trị tự nhiên, văn hóa và con người vùng đất Đơn Dương. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần liên kết với các công ty lữ hành trong tỉnh và các công ty gửi khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng để đưa khách đến với Đơn Dương vì đây có thể được xem là kênh marketing hữu hiệu đối với Đơn Dương vào thời điểm này.
Là một đô thị du lịch nổi tiếng, Đà Lạt vẫn là tiêu điểm để hút khách nhưng “cái mới” của Du lịch Đà Lạt là sẽ có thêm Đơn Dương nhằm đem đến sự trải nghiệm mới lạ cho du khách. Điều này góp phần phát triển du lịch huyện Đơn Dương, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Hy vọng Đơn Dương sẽ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn xuyên suốt chương trình tour khi du khách đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.
Nguyễn Thị Thanh Kiều