Hà Giang - Nguy cơ cạn kiệt cây cỏ Kim tuyến do người dân khai thác tự do

Cập nhật: 14/08/2008
Trong những tháng gần đây, bà con các dân tộc Mông, Dao, Cờ Lao... ở các xã biên giới: Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và xã nội địa Cao Bồ, Phương Tiến (huyện Vị Xuyên) rủ nhau lên rừng già ở độ cao trên 1.000m để kiếm một loài thực vật mà họ quen gọi là cây cỏ Kim tuyến đem bán ở bên kia biên giới, với giá thấp nhất cũng được 300.000 đồng/kg.

Cây cỏ Kim tuyến đang bị người dân ở những vùng núi trên săn tìm và khai thác theo kiểu huỷ diệt dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, mất dần loài cây này.

 

Loài thực vật này chỉ mọc ở độ cao trên 1.000m so mực nước biển và mọc ở nơi có độ ẩm cao, mát dưới tán rừng già nguyên sinh thuộc rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh. Cây cỏ này có đặc điểm phía trên và dưới lá có màu nâu nhạt, mặt trên lá cỏ có từ 3 đến 5 sọc màu trắng lấp lánh như những sợi kim tuyến, chạy dọc từ đầu cuống lá đến cuối lá.  Loại cây cỏ này từ lâu đã được bà con người dân tộc Dao, Mông dùng làm thuốc cầm máu, dùng cho phụ nữ sau sinh đẻ, chữa bệnh gan, viêm phế quản...

 

Theo các cán bộ ở Chi cục kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cây cỏ Kim tuyến mà người dân đang tìm thu hái đem bán là loài lan Kim tuyến quý hiếm và có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

 

Nếu quả đúng như vậy thì các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để bảo vệ loài cây quí hiếm này. Trước mắt, việc xác định rõ đây có phải là cây lan Kim tuyến quí hiếm hay không, để từ đó có biện pháp hữu hiện bảo vệ loài thực vật này. Cho dù loại cây này không là cây quí hiếm nằm trong sách đỏ thì vẫn cần tăng cường các biện pháp bảo vệ và khai thác hợp lý, có kế hoạch phát triển loại cây này vì đây là loại cây cỏ cho thu nhập cao có thể là cây xoá đói, giảm nghèo hữu hiệu ở vùng này. Ngoài ra bảo vệ loại cây này còn là bảo vệ nguồn gen làm đa dạng phong phú môi trường vùng rừng.

 

Được biết, hiện ở các xã Tùng Vài, Cao Mã Pờ, Bát Đại Sơn (huyện vùng cao núi đá Quản Bạ) nơi có nhiều diện tích rừng nguyên sinh, bà con các dân tộc Mông, Dao vùng này cũng phát hiện được loại cây cỏ Kim tuyến và đang tích cực khai thác đem bán sang bên kia biên giới.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường