Hiện nay việc phát triển các công trình hiện đại ở đôi bờ sông Hương cộng với các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, các công trình thủy điện ở thượng nguồn đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, các công trình di tích ven bờ sông Hương.
Ngày 20/3, tại thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu về cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái, lịch sử tại các lăng mộ Hoàng gia thời Nguyễn gắn liền với lưu vực thượng nguồn sông Hương, giai đoạn 2014 đến 2018. Cụm lăng tẩm hoàng gia Triều Nguyễn như: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương, có giá trị to lớn về nhiều mặt. Đây là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và tinh thần phong phú.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển các công trình hiện đại ở đôi bờ sông cộng với các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, các công trình thủy điện ở thượng nguồn đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, các công trình di tích ven bờ. Các cột mốc được cắm để bảo vệ lăng Gia Long bị mất dần do sạt lở, đường tránh Thành phố Huế đã cắt ngang vào ngọn đồi Thanh Long của lăng Khải Định, công trình cầu Tuần xây dựng gần lăng Minh Mạng đã phần nào ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên của khu vực.
Việc xây dựng một số thủy điện ở đầu nguồn sông Hương cũng đưa lại những mặt trái, làm biến đổi dòng chảy ở phía dưới hạ lưu, làm đổi hệ thống sinh thái ở thượng nguồn sông Hương. Việc khai thác khoáng sản ở vùng thượng nguồn sông Hương vẫn còn tồn tại, gây ra ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là việc sạt lở hai bờ sông Hương, có những di tích, khu vực chùa Thiên Mụ, Văn Thánh, điện Hòn Chén đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm là bảo vệ vùng đệm cảnh quan văn hóa nhằm mục đích bảo vệ tính toàn vẹn, duy trì và phát triển bền vững các giá trị văn hóa-lịch sử, cảnh quan, môi trường của các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương.
Yến Anh