Cà Mau bảo vệ sân chim

Cập nhật: 20/08/2008
Cà Mau đã chi từ ngân sách địa phương hàng chục tỷ đồng nhằm bảo vệ, phát triển các sân chim tự nhiên. Khoản đầu tư này là xây dựng hàng rào bao quanh sân chim; xây dựng các hồ chứa nước mùa khô cạn; nghiên cứu khoa học về các loài chim; chi phí cho việc bảo vệ và chăm sóc sân chim…

Nhờ vốn rừng ngày càng được khôi phục và phát triển, Cà Mau có tới hơn 10 sân chim lớn nhỏ, với hàng trăm ngàn con chim cứ trú và sinh sản. Tại sân chim phường 1 thành phố Cà Mau hiện có hơn 30 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quí hiếm như: còng cọc, le le, cốc cao… có nguy cơ tiệt chủng. Tại rừng U Minh Hạ đang ngày càng có nhiều sân chim tự phát, ban đầu chim ở vào ban đêm, sau đó chúng quy tụ ngày càng nhiều rồi làm tổ, để trứng, sinh con. Tại đây cũng đã xuất hiện nhiều loại chim quý như: chim sen, chàng bè và hàng chục loại cò...

 

Sân chim hình thành và tồn tại tự nhiên, không theo sắp xếp của con người. Nhưng một khi bảo vệ không tốt, nhất là để con người tự do xâm nhập, dùng hình thức săn bắt, lập tức chim sẽ bỏ đi nơi khác. Nắm được quy luật này, Cà Mau đã thực hiện những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sân chim.

 

Sân chim hình thành và phát triển ngoài giá trị cải thiện môi trường tự nhiên, còn là nơi nghiên cứu khoa học, là điểm thu hút khách du lịch. Đây cũng là thế mạnh của Cà Mau, không phải địa phương nào cũng có nên rất cần được chăm sóc, bảo vệ.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường