(TITC) - Chiều ngày 30/3/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch kết hợp với báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường”. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện bên lề của Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM 2018.
Toàn cảnh hội thảo
Đến dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay, cùng với đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Văn phòng điều phối Nông thôn mới, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh/ thành phố như Hà Nội, An Giang Lâm Đồng, Quảng Nam, Ninh Bình, Bến Tre, các doanh nghiệp du lịch lữ hành và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh du lịch và nông nghiệp là hai lĩnh vực được Đảng và Nhà nước xác định ưu tiên trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao đem lại lợi ích, giá trị gia tăng cho cả hai lĩnh vực du lịch và nông nghiệp cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo
Tiềm năng từ nông nghiệp của Việt Nam rất độc đáo và có giá trị nổi bật như: cánh đồng lúa bát ngát ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đồi chè ở Bảo Lộc – Lâm Đồng, Mộc Châu – Sơn La; rặng dừa Bến Tre…đây là những tài nguyên quý giá để có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời tạo ra tour du lịch thu hút khách nước ngoài đến tìm hiểu về văn hóa, đời sống hàng ngày của người nông dân Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp, địa phương đã xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả nhưng nhìn từ góc độ sản phẩm và thị trường chưa có tính chuyên nghiệp, nhỏ lẻ, tự phát. Tổng cục trưởng kỳ vọng thông qua hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường”, các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá đúng thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp ở nước ta hiện nay đồng thời bàn về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc trong khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp. Đây cũng là cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và truyền thông để hoạt động du lịch nông nghiệp có sự phát triển đột phá và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, hiện nay, nhiều địa phương, cá nhân, tổ chức đã chú trọng đầu tư khai thác các yếu tố từ sản xuất nông nghiệp cho phát triển du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa nông nghiệp vùng miền đã được hình thành và đáp ứng nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách. Nhiều tour du lịch nông nghiệp độc đáo, có chất lượng cao, có thương hiệu đã thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn còn tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp chưa thực sự hấp dẫn du khách.
Tham dự hội thảo, đại diện một số công ty du lịch đã chia sẻ và giới thiệu về mô hình phát triển du lịch của mình. Công ty TNHH ATC Việt Nam giới thiệu mô hình du lịch nông nghiệp Trang trại Đồng quê Ba Vì tại các làng nông nghiệp truyền thống vùng Ba Vì – Hà Nội. Công ty du lịch Ngôi Sao Ninh Bình với mô hình du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Hồng, dựa vào tiềm năng và thế mạnh của địa phương về du lịch nông nghiệp, công ty đã xây dựng hai sản phẩm là các tour: “Du khảo đồng quê” và “Một ngày làm nông dân”. Công ty CBT Việt Nam chia sẻ tại hội thảo mô hình du lịch cộng đồng – kinh nghiệm phát triển cho du lịch nông nghiệp. Đại diện Hiệp hội phát triển du lịch nông nghiệp Đài Loan tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp ở Đài Loan.
Ông Đặng Văn Cường – Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương nêu một số giải pháp cho phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn có tiềm năng phát triển du lịch, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ thu hút đầu tư và nông nghiệp, xây dựng chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, kết nối giữa du lịch và nông nghiệp. Báo chí cần nhanh chóng, kịp thời tuyên truyền những kết quả nổi bật, thành tựu, gương điển hình, mô hình trang trại mới, cách làm hay về xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp của các nước, đặc biệt là châu Á nhằm thông tin, định hướng cho du lịch nông nghiệp đến gần hơn với nông dân, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới của người nông dân đối với ngành du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định hầu hết các sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển thành sản phẩm du lịch và phát triển du lịch nông nghiệp là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh nhất cho người nông dân. Ông cũng đã gợi ý giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp như liên kết các khách sạn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các làng nghề, từ đó tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và giới thiệu được sản phẩm du lịch nông nghiệp đến khách du lịch.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định tiềm năng để biến sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch là vô cùng lớn nhưng việc xây dựng để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp thì chỉ mới ở những bước đầu, còn nhỏ lẻ, tự phát và chưa tương xứng với tiềm năng.
Để phát triển du lịch nông nghiệp cần phải đẩy mạnh công tác tuyền truyền quảng bá, giới thiệu các mô hình, cách làm hay nhiều hơn nữa đến người dân. Đặc biệt, trong thời gian tới hai ngành nông nghiệp và du lịch cần có sự liên kết chặt chẽ, giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các nhà khoa học để đưa ra kế hoạch cụ thể trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của ngành nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển đột phá.
Hồng Thủy