Cùng với sen Huế, áo dài truyền thống Huế, làng du lịch cộng đồng Thanh Toàn - nơi có cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy đang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể để phát triển du lịch. Nỗ lực này của địa phương nhằm thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể làng du lịch cộng đồng Thanh Toàn, nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể trên thị trường, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Xây dựng nhãn hiệu tập thể, làng du lịch Thanh Toàn sẽ được nhận diện và chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ sở quan trọng để những ai tham gia tạo lập sản phẩm phát triển thương hiệu. Sản phẩm của làng trước khi ra thị trường được gắn mác, xác định nguồn gốc rõ ràng. Mặt khác, nếu làng được xây dựng nhãn hiệu tập thể về hoạt động du lịch, chắc chắn người dân sẽ có ý thức, có động lực để tham gia lĩnh vực này tốt hơn.
Xã Thủy Thanh cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về phía Nam. Không chỉ nổi tiếng với cầu ngói Thanh Toàn, đây là vùng quê còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống rung động lòng người, như không gian làng mạc, cánh đồng lúa, sông ngòi, các thiết chế văn hóa dòng tộc và nếp sinh hoạt bình dị của con người…Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Sở Du lịch, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), xã Thủy Thanh đã xây dựng được nhà trưng bày nông cụ, thành lập bản đồ và các tour du lịch cộng đồng về làng.
Vào nhà trưng bày nông cụ, du khách có thể thấy những nông cụ mà ông cha ta đã sử dụng "cày sâu cuốc bẫm" để làm ra hạt lúa; chiếc nôi tre có "bốn tao" bằng dây thừng; chiếc xe đạp nước bằng gỗ. Tất cả đều gợi nhớ về không khí làng quê, các cặp vợ chồng nông dân vừa đạp nước vào ruộng vừa cất tiếng hò giữa đêm trăng thanh gió mát. Có những chiếc áo đi mưa chằm bằng lá tơi để tránh mưa vừa chống rét. Còn có rất nhiều những xe quạt lúa, máy xay lúa, chày cối giã gạo, cối xay bột, nồi đất, nồi đồng, mâm đồng...
Cầu ngói Thanh Toàn lâu nay còn biết như là một điểm đến thú vị trong các kỳ Fesstival Huế. Tất cả đều tạo nên sự đồng diệu, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, nhằm mục đích tạo sân chơi, kéo dài thời gian lưu trú của du khách làm cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế lấy ngành dịch vụ làm trọng tâm. Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch, giải quyết vấn đề lao động và đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2017, điểm du lịch cộng đồng Thanh Toàn là một trong ba đơn vị được nhận giải Khu du lịch cộng đồng ASEAN. Giải thưởng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, làm hài lòng du khách của các hộ dân, các đơn vị làm du lịch, địa phương, doanh nghiệp du lịch. Để làm nên thương hiệu này, người dân Thủy Thanh đã mạnh dạn đầu tew cho các hoạt động dịch vụ du lịch; một số hộ gia đình chủ động kết nối và tổ chức các tour du lịch cộng đồng, tạo thêm nguồn thu nhập.
Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn, thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ (Thừa Thiên - Huế), vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Đây là một di tích kiến trúc rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và còn là một thắng cảnh luôn thu hút đông đảo khách thập phương. Cầu ngói Thanh Toàn đã được Bộ Văn hóa nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 1990.
Cầu do bà Trần Thị Ðạo, vợ một vị quan lớn dưới triều vua Lê Hiển Tông cúng tiền cho làng xây dựng vào năm 1776 để người dân qua lại được thuận tiện. Cũng vào năm này, chính vua Lê Hiển Tông đã ban sắc khen ngợi bà Trần Thị Ðạo, đồng thời miễn cho dân làng nhiều loại sưu dịch, để họ nhớ đến công ơn và noi theo tấm gương của bà, nên bà Đạo được dân làng tôn sùng, thờ phụng. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong thần cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà. Cầu được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m), chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng, mái lợp ngói lưu ly. Tuy nhiều lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá, năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư 13 tỷ đồng thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn.
Quốc Việt