Pác Nặm là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Bắc Kạn, địa hình của huyện chủ yếu là núi cao, có độ dốc lớn, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Huyện có tiềm năng lớn rất thích hợp để phát triển các tour du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lễ hội.
Huyện Pác Nặm có điểm di tích lịch sử Búp Nhùng thuộc thôn Nặm Đăm, xã Cao Tân, nơi tổ chức lớp huấn luyện tự vệ đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1943. Đây là một trong những tiềm năng quan trọng của huyện để phát triển du lịch tại địa phương. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích của huyện đã được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch tại địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa phát huy và khai thác đúng tầm của khu di tích và các khu du lịch tiềm năng của huyện.
Huyện đang tập trung phát triển di tích lịch sử Búp Nhùng, xã Cao Tân, nằm trong quy hoạch hệ thống các tuyến du lịch liên vùng của tỉnh. Trong đó, phát huy giá trị hệ thống các điểm di tích lịch sử gắn liền phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lễ hội. Để phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của địa phương, trong thời gian tới huyện cần được giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề liên quan như: Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các khu, điểm du lịch; hệ thống đường giao thông theo tuyến du lịch; các dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống; các điểm vui chơi, các mặt hàng sản phẩm phục vụ khách du lịch; dịch vụ xe vận tải khách tham quan và xây dựng lực lượng quản lý, điều hành, hướng dẫn viên du lịch....
Với đặc điểm và điều kiện của huyện Pác Nặm còn nhiều khó khăn, để địa phương cùng với toàn tỉnh đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, đồng chí Đào Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: Rất mong tỉnh thành lập một ban (hay tổ) chuyên môn để trực tiếp đến các khu du lịch, điểm du lịch giúp địa phương nghiên cứu thiết kế chi tiết, lập kế hoạch cụ thể phù hợp với từng loại hình du lịch và tình hình đặc điểm của địa phương. Cần có quy hoạch tổng thể, đồng bộ trong việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các điểm di tích gắn liền với việc quy hoạch phát triển du lịch.
Trong đó tập trung xây dựng có trọng điểm các khu du lịch như: Di tích Búp Nhùng, xã Cao Tân, du lịch lễ hội Mù Là, xã Cổ Linh...Điều chỉnh quy hoạch đường nội đồng, đường ven sông theo chương trình nông thôn mới, cấp kinh phí đầu tư xây dựng kết hợp trồng cây khu vực ven sông nhằm bảo vệ môi trường đồng thời gắn với việc phát triển du lịch sinh thái khu vực này, có sự liên kết hài hòa với các điểm du lịch, các tuyến tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh như: Khu du lịch Ba Bể, khu ATK Chợ Đồn...
Nhằm phát triển du lịch phải huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn, nhất là xã hội hóa để sớm xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, các dịch vụ du lịch tại các khu, điểm, các tuyến du lịch của địa phương. Triển khai tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn cho các đối tượng làm công tác quản lý và phục vụ trong các dịch vụ hoạt động du lịch; cũng như giúp các địa phương xây dựng đội ngũ cộng tác viên, thuyết minh viên du lịch cơ sở.
Định hướng phát triển du lịch của huyện Pác Nặm trong thời gian tới dựa trên quan điểm và lộ trình, quy hoạch chung của tỉnh, nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế với những bước đi bền vững, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị tài nguyên trên địa bàn.
Bích Ngọc