Trước viễn cảnh khả năng môi trường
sống chịu nhiều biến động do tình trạng trái đất nóng lên, ở cấp độ quốc gia,
nước ta cũng đã và đang xây dựng các chiến lược và chương trình để ứng
phó.
Theo Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu đã xác định, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; tất nhiên, Khu Dự trữ Sinh quyển tỉnh Kiên Giang cũng không nằm ngoài sự tác động…
Mặt khác, tại Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang, việc quản lý và phát triển vùng đệm của hai Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và khu vực rừng phòng hộ ven biển chưa thật sự phù hợp, thiếu sự tham gia trong hoạt động quản lý và phát triển bền vững, nên đã nảy sinh các vấn đề liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thế nên sự ra đời của Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Kết hợp bảo tồn và phát triển tại các trọng điểm Khu Dự trữ Sinh quyển tỉnh Kiên Giang” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) thông qua Tổ chức Hỗ trợ Kỹ thuật Đức (GTZ) tài trợ cho tỉnh Kiên Giang là vô cùng quý giá và cần thiết.
Bối cảnh và sự cần thiết của dự án
Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang, có tổng diện tích hơn 1,1 triệu ha bao gồm: Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và Khu Bảo vệ Cảnh quan Hòn Chông.
* Vườn Quốc gia U Minh Thượng có ý nghĩa quan trọng đối với hệ sinh thái rừng ngập nước úng phèn và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có loài rái cá lông mũi (lutra sumatrana) đã được ghi trong sách đỏ của thế giới và Việt Nam .
* Vườn Quốc gia Phú Quốc là nơi tập trung 3 luồng thực vật di cư gồm hệ thực vật Mã Lai - Inđônêxia, Hymalaya - Vân Nam, Quỳ Châu (Trung Quốc) và hệ thực vật Ấn Độ -Miến Điện. Phú Quốc có 529 loài thực vật thuộc gần 120 họ và hơn 360 chi, trong đó có 42 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. San hô ở Phú Quốc có tổng diện tích hơn 470 ha, với khoảng 260 loài. Ngoài ra, trong vùng san hô Phú Quốc còn có hơn 150 loài cá cảnh, 48 loài động vật thân mềm, 25 loài da gai và có hơn 50 loài rong biển.
* Rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương - Kiên Hải có nhiều loài nhuyễn thể trên cạn, 17 loài thực vật đặc hữu (có 4 loài nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới), hơn 300 loài động vật bậc cao và 61 loài chim, trong đó có những loài có tên trong sách đỏ thế giới hoặc Việt Nam như: sếu đầu đỏ, sả mỏ rộng.
Tuy nhiên các áp lực lên các khu vực nguyên sinh nói trên vẫn không ngừng tăng lên do việc thiếu đất để canh tác và để nuôi trồng thủy sản, sự thoái hóa đất, cháy rừng và sự giảm thiểu nguồn cá biển lẫn cá nước ngọt mà đây lại là nhu cầu căn bản cho cuộc sống của người dân địa phương. Đặc biệt tình trạng tăng nhanh của ngành du lịch tại đảo Phú Quốc, sự phát triển này có thể đem lại những tác động tiêu cực cho hệ sinh thái của đảo và của VQG Phú Quốc nếu không dựa trên một chiến lược phát triển bền vững về môi trường bao gồm cả những phương pháp phù hợp giúp VQG phát triển và kết hợp rõ ràng với cộng đồng trong công tác quản lý vùng đệm và du lịch sinh thái. Ngoài ra các đai rừng ngập mặn ven biển đóng vai trò phòng hộ, chắn sóng và chắn gió, tạo chỗ neo đậu cho tàu thuyền trong mùa mưa bão rất cần thiết tăng cường để đảm bảo tính phát triển bền vững.
Với tầm quan trọng của Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển là các trọng điểm Khu Dự trữ Sinh quyển tỉnh Kiên Giang, chính quyền địa phương trong tỉnh đã dự kiến phát triển hơn nữa các trọng điểm này để bảo tồn bền vững hệ sinh thái thông qua các kế hoạch quản lý mới và có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Quá trình xây dựng dự án
Dự án này trở thành một trong hai hợp phần của Chương trình GTZ-AusAID đồng tài trợ trong đó có dự án GTZ đang thực hiện tại tỉnh Sóc Trăng, đó là dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng duyên hải tỉnh Sóc Trăng” và Dự án này “Kết hợp bảo tồn và phát triển tại các trọng điểm Khu Dự trữ Sinh quyển tỉnh Kiên Giang”.
Tháng 7/2007, UBND tỉnh Kiên Giang đã gửi đề xuất dự án hỗ trợ kỹ thuật: “Kết hợp bảo tồn và phát triển tại các trọng điểm Khu Dự trữ Sinh quyển tỉnh Kiên Giang” cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa vào danh mục các dự án đề xuất với Chính phủ Đức về hỗ trợ kỹ thuật.
Căn cứ vào đề xuất này của tỉnh Kiên Giang, tháng 3/2008 Tổ chức Hỗ trợ Kỹ thuật Đức (GTZ) đã phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Úc (AusAID) tổ chức thực hiện chuyến khảo sát dự án tại tỉnh Kiên Giang từ ngày 20 – 24/3/2008, đoàn thẩm định dự án gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế (bao gồm chuyên gia Đức và Úc) do GS. TS Niekiesch – chuyên gia cao cấp về bảo tồn thiên nhiên làm trưởng đoàn đã đi khảo sát và làm việc tại hai VQG Phú Quốc, VQG U Minh Thượng và các huyện khu vực rừng phòng hộ ven biển. Cùng đi với đoàn có đại diện các sở, ngành: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh và các ban ngành liên quan đã tham gia thẩm định cùng đoàn.
Ngày 24/3/2008, GS, TS. Niekiesch đã báo cáo kết quả khảo sát thẩm định với UBND tỉnh và các ban ngành liên quan tại tỉnh KiênGiang. Biên bản thỏa thuận về kết quả của đoàn thẩm định đã được ký giữa ông Lê Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và GS. TS Niekiesch, trưởng đoàn khảo sát GTZ/AusAID. Biên bản thỏa thuận này là cơ sở để hai bên chuẩn bị tài liệu dự án trình phê duyệt.
Ngày 16/7/2008 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương và TS. Pancel – Giám đốc Chương trình tài nguyên thiên nhiên GTZ đã ký kết thỏa thuận thực hiện dự án, đồng thời tại thời điểm này các bên liên quan cũng đã tổ chức hội thảo lập kế hoạch triển khai dự án.
Tổng vốn của dự án giai đoạn I (2008 – 2011): 1.797.400 EURO. Trong đó: Vốn hỗ trợ không hoàn lại (ODA): 1.634.000 EURO; Vốn đối ứng (10%) của tỉnh Kiên Giang: 163.400 EURO. AusAID ủy thác cho Tổ chức Hỗ trợ Kỹ thuật Đức (GTZ) số tiền 1.634.000 EURO thực hiện dự án.
Mục tiêu của dự án
Mục tiêu tổng thể của dự án là sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Kiên Giang, nâng cao hiệu quả quản lý các khu vực bảo vệ. Mục tiêu đề xuất cho giai đoạn I (2008 – 2011) là: Quản lý hiệu quả khu vực bảo vệ của hai Vườn Quốc gia và rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Kiên Giang. Dự án sẽ hoạt động theo 6 nội dung:
1. Xây dựng các mô hình sử dụng đất có hiệu quả trong vùmg đệm để nâng cao đời sống cho người dân sống trong vùng tiếp giáp với Vườn Quốc gia, vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn ven biển.
2. Nâng cao nhận thức, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật và khả năng tiếp cận thị trường nhằm tạo thu nhập cho nông dân và ngư dân nghèo.
3. Nâng cao năng lực và đào tạo, quản lý nước và phòng chống cháy rừng nhằm cải thiện năng suất và duy trì hệ sinh thái.
4. Xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và các giải pháp thay thế việc quản lý nước bằng các trang thiết bị phù hợp cho hoạt động phòng chống cháy rừng.
5. Xây dựng chương trình và tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và đất ngập nước cho các cư dân sống trong những vùng trọng điểm của Khu Dự trữ Sinh quyển.
6. Nâng cao năng lực thực hiện và quản lý dự án cho cán bộ trong tỉnh.
Để đạt được mục tiêu tổng thể của dự án “Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Kiên Giang, nâng cao hiệu quả quản lý các khu vực bảo vệ”, dự án phải đạt được các chỉ số đánh giá đề xuất dưới đây:
- Không được xây dựng thêm cơ sở hạ tầng nào trong vùng lõi của Vườn Quốc gia.
- Tài nguyên sinh vật trong khu vực bảo vệ không bị khai thác trái phép.
- Việc định lượng và cụ thể hóa các tiêu chí sẽ được thực hiện trong năm đầu tiên triển khai dự án.
- Các chỉ số đánh giá mục tiêu của giai đọan I (2008 – 2011):
- Duy trì diện tích rừng phòng hộ ven biển không để suy giảm xuống dưới mức hiện nay.
- Hạn chế việc tăng mực nước nhân tạo tại VQG U Minh Thượng.
- Nâng cao hiệu quả việc phòng chống cháy rừng ở VQG Phú Quốc góp phần cải thiện đa dạng sinh học rừng tự nhiên.
- Không có gia súc được chăn thả trong vùng lõi VQG Phú Quốc.
- Người dân địa phương có thêm cơ hội tăng thu nhập.
- Các định lượng và cụ thể hóa các chỉ tiêu sẽ được thực hiện và chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế trong quá trình thực hiện dự án.
Các tác động mong muốn của dự án
Tác động kinh tế xã hội
Nâng cao hiệu quả quản lý đất giao khoán cho cộng đồng địa phương sống xung quanh Vườn Quốc gia và khu vực rừng phòng hộ ven biển, góp phần tăng cường hiệu quả sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nâng cao thu nhập. Doanh nghiệp nhỏ hoạt động trên đảo Phú Quốc sản xuất thực phẩm chất lượng cao, thúc đẩy phát triển du lịch và tăng cường tiếp thị trực tiếp tại các nhà hàng, cải thiện thu nhập cho người dân sở tại sống trong và ngoài vùng đệm. Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước và năng lực phòng chống cháy rừng trong VQG U Minh Thượng, nâng cao tiềm năng thu hút du lịch sinh thái cho Vườn Quốc gia góp phần tạo nguồn thu nhập mới.
Tác động văn hóa xã hội
Phụ nữ, theo truyền thống (và theo quan sát), chịu nhiều thiệt thòi sẽ được hưởng lợi từ những tác động kinh tế do hoạt động dự án mang lại, qua đó góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong đời sống văn hóa xã hội.
Tác động về sinh thái, môi trường
Mục tiêu của dự án là bảo tồn vùng đất ngập nước và rừng phòng hộ ven biển có tầm quan trọng sinh thái cao. Nâng cao hiệu quả quản lý khu vực bảo vệ, rừng phòng hộ ven biển, bảo tồn các loài bị đe dọa sẽ mang lại những tác động sinh thái tích cực như bảo vệ hệ sinh thái rừng và biển, phòng hộ ven biển chống tác hại của biến đổi khí hậu.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Kết hợp bảo tồn và phát triển tại các trọng điểm Khu Dự trữ Sinh quyển tỉnh Kiên Giang, Việt Nam” được xây dựng công phu và đúng quy trình, đáp ứng được mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của Nhà nước Việt Nam và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang.
Đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án là người dân các xã, gia đình nông dân và ngư dân nghèo đã và đang sử dụng tài nguyên rừng phòng hộ ven biển, đất ngập nước và khu vực bảo vệ của Vườn Quốc gia. Dự án tập trung vào phần dân cư đặc biệt nghèo và người dân tộc thiểu số đang hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến lâm nghiệp và thu nhập chính từ nghề rừng.
Kết quả mong đợi của dự án sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân tại các vùng trọng điểm Khu Dự trữ Sinh quyển nhằm nâng cao đời sống cho họ, giảm bớt việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững, góp phần bảo vệ Khu Dự trữ Sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á.