Huế như một đại công trường, vật vã giữ danh hiệu du lịch sạch

Cập nhật: 10/04/2018
Lâu nay, Huế vốn được mệnh danh là thành phố xanh và sạch. Mới đây, tại Diễn đàn du lịch ASEAN 2018 và Hội chợ du lịch quốc tế Travex tại Thái Lan, thành phố Huế đã được trao danh hiệu "Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018-2020."

Đạt được danh hiệu sạch đã khó 

Nói về tiêu chí của giải thưởng, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết, giải thưởng Thành phố du lịch sạch có giá trị trong thời gian từ 2018-2020 (tức 3 năm xem xét 1 lần). 

Để được công nhận là Thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố Huế đảm bảo 7 tiêu chí: quản lý môi trường chung; đường phố sạch sẽ, vệ sinh; quản lý xử lý tốt chất thải, nước thải; chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đường phố; nhiều không gian xanh; có các điều kiện tốt đảm bảo an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn.

Giá trị Thành phố du lịch sạch theo tiêu chí của ASEAN là những yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững, là một trong những giá trị có thể phát huy để quảng bá đến du khách, tạo nên thương hiệu du lịch địa phương của Thừa Thiên-Huế; góp phần xây dựng thương hiệu du lịch mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của điểm đến của thành phố Huế nổi trội hơn so với các điểm đến khác trong cả nước và khu vực. Hằng năm, sẽ có 10 cơ sở lưu trú du lịch của mỗi nước thành viên ASEAN được đề cử trao danh hiệu này. 

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, giải thưởng Thành phố du lịch sạch sẽ góp phần tạo nên một phong trào để các cơ sở lưu trú trong tỉnh phấn đấu đảm bảo các tiêu chuẩn khách sạn xanh-bền vững, trở thành một trong những thương hiệu doanh nghiệp lưu trú du lịch mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của điểm đến địa phương đối với các điểm đến du lịch khác trong cả nước và khu vực. 

Du lịch đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên-Huế. Năm 2018, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế tiếp tục khai thác tốt tour du lịch "Huế-một điểm đến 5 di sản" (gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, vốn được UNESCO công nhận là di sản thế giới) để thu hút khách tham quan. 

Tỉnh phấn đấu đón khoảng 4-4,2 triệu lượt khách, tăng 10% so với năm 2017 (trong đó khách quốc tế chiếm từ 40-45%); khách lưu trú ước đạt 2,1-2,2 triệu lượt người, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến đạt 4.000-4.200 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. 

Giữ danh hiệu càng khó hơn 

Đạt danh hiệu đã khó, tuy nhiên, giữ được danh hiệu còn khó hơn. Điều dư luận đang quan tâm là trong thời gian này, Thừa Thiên-Huế đang thi công dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế. Dự án đang trong quá trình thi công khiến nhiều tuyến đường bị đào bới ngổn ngang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng. 

Ban quản lý dự án ít kiểm tra, để cho đơn vị thi công thiếu phương án che chắn, bảo vệ, vừa mất an toàn giao thông lại mất thẩm mỹ. Hơn nữa, xe chở đất từ khoảng 80 địa điểm thi công khiến mù như màn sương vây khắp thành phố. 

Triển khai từ năm 2016, theo kế hoạch, dự án kết thúc trong năm 2018, nhưng nay phải kéo dài thêm 1 năm (năm 2019 mới kết thúc) do thi công chậm tiến độ. Hệ lụy của việc này cả thành phố như một công trường, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi.

Điều đáng lưu ý là hiện nay, dự án triển khai đặt các hạng mục công trình thu gom, xử lý nước thải, thoát nước mưa cùng lúc ở 11 phường khu vực phía Nam sông Hương, thành phố Huế, với hơn 80 điểm, cùng hàng trăm phương tiện, máy móc, nhân công làm việc từ 1-3 ca để thi công công trình. Điều này đồng nghĩa với tất cả các tuyến đường ở thành phố Huế đều bị đào bới ngổn ngang, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân trong vùng, kể cả người tham gia giao thông. 

Cống thoát nước ở đường Hai Bà Trưng, đoạn đầu từ đường Nguyễn Huệ và đầu cuối là đường Phan Đình Phùng dài khoảng 200m, nhưng sau hơn 2 năm được thi công vẫn đang trong tình trạng ngổn ngang, luôn gây ách tắc và tiềm ẩn nguy hiểm mất an toàn giao thông. 

Ông Nguyễn Thanh Xuân, một người dân sống gần đó, phản ánh: "Không hiểu đơn vị thi công làm kiểu gì, chỉ thấy vài ba công nhân đào xới lên vài ngày lại bỏ đó, đường ngổn ngang đất đá."

Một điểm thi công dự án thoát nước tại thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Ông Huỳnh Văn Tao, một người dân, phản ánh khoảng 17 giờ ngày 3/4, tại đường Bến Nghé, thành phố Huế, các công nhân thi công đường đã dùng máy xịt bụi để xịt đường trước khi thảm nhựa gây ra tình trạng bụi bay mịt mù, ùa vào hết nhà dân. Cả đường phố mờ mịt trong bụi trắng. 

Các nhóm khách du lịch qua đường, kể cả khách nước ngoài, phải tấp vào lề đường, quay mặt vào trong để tránh hít phải bụi. Đây là dự án chỉnh trang đường Bến Nghé do Công ty cổ phần Môi trường và Đô thị Huế làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Xí nghiệp xây dựng số 1 thuộc của Công ty cổ phần Môi trường và Đô thị Huế. 

Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế có tổng mức đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án triển khai 150 km cống chung, 30 km cống bao để thu gom nước mưa, xử lý nước thải và 7 trạm bơm để bơm chuyền về nhà máy. 

Hiện nay có 2/6 gói thầu hoàn thành, gồm dự án thoát nước đường Đống Đa, Điện Biên Phủ và dự án công trình cải tạo sông Hói; các dự án khác đang trong quá trình triển khai thi công dở dang.

Nguồn: TTXVN