Mỗi năm, Phú Tân (An Giang) đón khoảng 1 triệu lượt khách tham quan, bao gồm du lịch (DL) sinh thái, DL tâm linh và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống như: lò rèn, bánh phồng Phú Mỹ, làng lò đất Phú Thọ, làng chổi Phú Bình… Sau vài năm “thử nghiệm” làm DL, người dân Phú Tân đã có thể khẳng định, địa phương có đầy đủ tiềm năng và là điểm đến hấp dẫn.
Chị Lê Thị Tuyết Oanh du khách đến từ TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: “Sự hấp dẫn của vùng đất này đối với tôi chỉ đơn giản là nét hồn hậu của con người, vẻ đẹp nông thôn đơn sơ với những cánh đồng dược liệu, những ngôi miếu, ngôi đình mang dáng dấp cổ xưa và món ăn dân dã theo mùa. Phú Tân làm DL chưa chuyên nghiệp bằng những nơi khác nhưng địa phương có những nét riêng thu hút du khách đến khám phá”.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, một hướng dẫn viên (HDV) DL có cái nhìn chuyên nghiệp hơn. Chọn Vàm Nao là điểm đến để trải nghiệm những nét đặc thù nhất của miền Tây sông nước, anh và Câu lạc bộ HDV DL Việt Nam tổ chức cho hơn 200 HDV thuộc 3 miền tham gia các hoạt động hái củ ấu, mò cua, bắt cá, thu hoạch rau màu….
Theo anh Tùng, những món ăn thường ngày của người dân đã trở thành điểm đặc trưng thu hút mọi người. Các HDV hứa hẹn sẽ quay trở lại cùng du khách và truyền đạt hết những phong tục, tập quán, lối sống của người dân địa phương để nêu bật nét văn hóa của miền Tây cho bạn bè gần xa. để chuẩn bị điểm đến tốt hơn nhằm thu hút du khách, xã Tân Trung đã đưa ra ý tưởng rất cụ thể: trạm dừng chân với những sản vật mùa nước nổi, các nguồn lợi thủy sản thông qua việc sưu tầm hơn 40 loại cá trên sông Hậu, rau màu trồng theo phương pháp hữu cơ phục vụ khách DL và khách có thể tự thu hoạch, chế biến theo ý thích. Được tiếng là điểm đến hấp dẫn mùa nước, hiện nay Tân Trung vẫn đón khách DL đều đặn với hoạt động câu cá trên sông, thưởng thức món ngon đặc sản, giao lưu đờn ca tài tử.
Nhìn tổng quát, Phú Tân có những tiềm năng và những lợi thế nổi bật trong hoạt động DL, xuất phát từ sự đa dạng về tài nguyên văn hóa. Một trong những điểm giúp Phú Tân thu hút được du khách, chính là nơi đây chưa chịu sự tác động nhiều của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên gìn giữ được nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nhiều hình thái tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục và lối sống của xã hội truyền thống, thích hợp với những trải nghiệm văn hóa mới mẻ của du khách.
Nơi đây còn có cảnh quan văn hóa đa dạng, vừa mang những đặc điểm chung của vùng đồng bằng, vừa có những tính chất riêng của vùng cù lao. Những di sản văn hóa mang đậm dấu ấn địa phương như: các làng nghề truyền thống, sinh hoạt đặc thù của người dân vùng sông nước và nhiều sản vật địa phương độc đáo như: cá bông lau, cá linh, ấu, nếp... trở thành mục tiêu chính lôi cuốn du khách tìm về khám phá.
Đặc biệt, khi nhắc đến Phú Tân người ta nghĩ ngay đến nơi đây là tâm điểm của Phật giáo Hòa Hảo - tôn giáo bản địa của vùng An Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung. Vùng đất này mặc nhiên trở thành “thánh địa” của những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo hành hương, thu hút trên hàng nghìn lượt khách từ các nơi đến tham dự hàng năm vào những dịp lễ đạo. Đây là một trong những lợi thế nổi bật trong việc khai thác DL tâm linh, DL văn hóa.
Từ một “vùng đất mới” chưa được các doanh nghiệp lữ hành quan tâm và khai thác DL, đến nay các hoạt động tham quan, trải nghiệm của du khách hướng về Phú Tân đã có chuyển biến tích cực. Khắc phục những điều kiện bất lợi như: địa bàn nông thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ DL chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn nhân lực phụ vụ DL chưa được quan tâm… huyện phấn đấu đưa DL thành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian qua, Phú Tân đã tăng cường tuyên truyền quảng bá về đặc điểm vùng đất, con người, môi trường sinh thái, nét đẹp của vùng cù lao sông nước, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, đặc sản, văn hóa ẩm thực... quan tâm kêu gọi các ngành, các cấp, doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư khai thác; phát triển các dịch vụ giao thông - vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính - tín dụng nhằm đẩy nhanh hơn nữa tốc độ lưu chuyển hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
Đồng thời, mở rộng quy mô hoạt động, khai thác tiềm năng, tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, những sản phẩm DL; các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, lễ đạo, các làng nghề truyền thống... làm phong phú thêm các sản phẩm DL trên địa bàn.