Du lịch Phú Yên: Tạo sản phẩm khác biệt từ tài nguyên đa dạng

Cập nhật: 12/04/2018
Sau hiệu ứng của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, trung bình những năm gần đây, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng khoảng 20 - 25%/năm. Tuy vậy, để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn, cần giải quyết được bài toán về cơ sở hạ tầng và nhất là sản phẩm du lịch.

Tài nguyên đa dạng

Phú Yên có cảnh quan, điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch. Nằm trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có bờ biển dài 189km, có nhiều đầm, vịnh, đảo hoang sơ, hệ thống giao thông phong phú. Tỉnh cũng có nhiều danh lam thắng cảnh, với 21 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, danh thắng cấp quốc gia, nhiều di tích cấp tỉnh, trong đó nổi tiếng là di tích lịch sử Vũng Rô gắn với lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển; thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan; gành Đá Đĩa là hiện tượng địa chất độc đáo, được bình chọn 20 điểm đến được du khách yêu thích tại Việt Nam; mũi hải đăng Đại Lãnh - nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền...

Gành Đá Đĩa, Phú Yên (Nguồn: ITN)

Sự đan xen, giao thoa nhiều nền văn hóa của 31 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên những sắc thái văn hóa dân gian phong phú, với các làn điện dân ca, dân vũ đặc sắc từ tuồng, bài chòi, hò bả trạo, họ kéo lưới đến trường ca, các nhạc cụ dân tộc, trống đôi - cồng ba - chiêng năm. Những năm qua, Phú Yên đã chú trọng đầu tư tôn tạo di tích, danh thắng, nâng cấp tu bổ các công trình thiết yếu tại một số khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, hình thành điểm biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch.

Khai thác tài nguyên sẵn có, công với những nỗ lực phát triển hạ tầng, quảng bá, năm 2017, tỉnh đón 1,4 triệu lượt khách; dự kiến năm 2018, sẽ đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó 35% là khách quốc tế.

Đi đâu? Làm gì?

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch Phú Yên cũng có điểm nghẽn, trong đó sản phẩm du lịch vừa ít, vừa đơn điệu. Đi đâu, làm gì để giữ chân du khách, để du khách có dịp trải nghiệm, chi tiêu vẫn là câu hỏi khó trả lời. Sản phẩm du lịch của tỉnh chủ yếu dựa trên tài nguyên tự nhiên, văn hóa, chưa có sản phẩm mang tính nhân tạo để thu hút khách du lịch...

Theo ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty du lịch quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APT Travel), Chủ nhiệm CLB Du lịch Thủ đô: “Với du lịch Phú Yên, chúng tôi gắn bó 3 - 4 năm gần đây và thấy rõ ràng có tiềm năng hơn cả một số tỉnh lân cận. Phú Yên có nhiều địa danh tham quan, khoảng cách đi từ điểm nghỉ đến điểm tham quan ngắn, chỉ khoảng 20 phút, thuận lợi cho du khách. Du khách hài lòng với dịch vụ, đồ ăn ngon, con người thân thiện. Tuy nhiên, 2 năm vừa rồi, APT travel không đưa được nhiều khách đến Phú Yên, vì có những hạn chế, như tần suất đường bay ít, giá vé không rẻ. Bên cạnh đó, quá ít nơi lưu trú cho khách lựa chọn. Nếu phát triển lượng khách du lịch, tỉnh phải làm việc với các hãng hàng không để giá tốt nhất; đồng thời thu hồi dự án ven biển “treo” để doanh nghiệp làm homestay, bungalow...”.

Khai thác sản phẩm du lịch tại Phú Yên trong nhiều năm, chị Trần Thị Thanh Tâm, Vietrantour, cho biết thêm: Lượng khách biết đến du lịch Phú Yên nhiều, nhưng cơ sở vật chất, lưu trú, nhà hàng khách sạn còn hạn chế. Khu du lịch sông Cầu nhiều năm qua vẫn chưa được hình thành để đưa khách đế; nhiều điểm đến chưa có sản phẩm, dịch vụ bổ sung cho khách. Điểm đến lịch sử Vũng Rô tuy nổi tiếng nhưng chưa có sản phẩm điểm nhấn, thiếu người dẫn dắt, thổi hồn vào câu chuyện...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung góp ý: Du lịch Phú Yên chậm phát triển, nhưng có lợi thế là tài nguyên còn tương đối nguyên sơ, có điều kiện phát triển theo chiều sâu, nên cần phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có chất lượng cao. Phú Yên cần xác định lấy du lịch biển là mũi nhọn, du lịch văn hóa là nền tảng, với 2 dòng sản phẩm chính: Du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo; du lịch văn hóa và giá trị du lịch bản địa. Thị trường trước mắt là thị trường Đông Bắc Á, nhưng về lâu dài xác định là thị trường Đông Âu, Tây Âu và Bắc Mỹ...

Để trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện với khách du lịch trong và ngoài nước, theo các chuyên gia, Phú Yên cần tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch; quy hoạch chi tiết phát triển Khu du lịch Quốc gia Vịnh Xuân Đài, từ đó thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết du lịch với Khánh Hòa, Bình Định - 1 chuyến đi 3 điểm đến; tăng cường quảng bá, xúc tiến, tổ chức các đoàn famtrip, tham dự hội chợ du lịch quốc tế...

Theo ĐBND