Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF), vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam ngày 22/8/2008 với tổng vốn đầu tư 9,5 triệu USD, cam kết sẽ tích cực hỗ trợ bảo tồn các vùng "nóng" về đa dạng sinh học tại Việt Nam.
CEPF là sáng kiến chung của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, Cơ quan Phát triển Pháp, Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản, Quỹ John D.- Catherine T.MacArthur và Ngân hàng thế giới.
Mục tiêu cơ bản của CEPF là thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, với chiến lược đầu tư kéo dài 5 năm ở khu vực Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và một phần nam Trung Quốc.
Tại buổi họp báo ra mắt Quỹ, Giám đốc CEPF John Watkin cho biết: Tại Việt Nam, chương trình sẽ được triển khai ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Tuyên Quang.
Quỹ sẽ ưu tiên hàng đầu cho hành lang các cao nguyên đá vôi phía bắc giữa biên giới Trung Quốc và Việt Nam, khu vực đặc biệt quan trọng cho công tác bảo tồn linh trưởng. Đây cũng là khu vực có ý nghĩa toàn cầu trong việc bảo tồn hệ thực vật với nhiều loài quý hiếm và tập hợp phong phú nhất của các loài hạt trần trong khu vực.
Theo ông John Pilgrim, Quản lý dự án thực hiện cấp vùng thuộc Chương trình bảo tồn Đông Dương của Tổ chức Bảo tồn Chim quốc tế (Birdlife): Việt Nam có tới 14 trong tổng số 28 vùng đa dạng sinh học cần được ưu tiên bảo tồn trong khu vực, đặc biệt là các vùng núi phía bắc.
Theo định nghĩa, vùng "điểm nóng" đa dạng sinh học là vùng có 1.500 loài đặc hữu (loài quý hiếm, nằm trong danh sách bảo tồn) và có 70% các loài đặc hữu không còn tồn tại. Tại một số vùng ở Việt Nam và khu vực, tỉ lệ các loài đặc hữu chỉ còn có 5%, một con số đáng báo động.